Đông Hòa (Phú Yên): Dân khát nước khi sống bên cạnh nhà máy nước sạch
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:09, 11/11/2022
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, thôn Thạch Tuân 2, xã Hòa Xuân Đông, thị xã Đông Hòa cho biết: Gia đình sinh sống cách Trạm nước sạch xã Hòa Xuân Đông hơn 3 km nhưng nhiều năm nay phải sử dụng nước giếng khoan do đường ống nước sạch chưa được đầu tư đến nhà. Nước giếng lại bị nhiễm phèn và có mùi tanh hôi dù đã qua bể lọc khiến cho cuộc sống sinh hoạt của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải đi lấy nguồn nước sạch nơi khác để nấu ăn, còn nước giếng chỉ dùng cho giặt áo quần, rửa chén bát, tưới cây.
Không chỉ riêng hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung mà nhiều hộ dân khác tại xã Hòa Xuân Đông cũng đang gặp khó khăn khi đang dùng nước giếng bị nhiễm phèn, hôi trong khi không thể sử dụng được nguồn nước của Trạm nước sạch xã Hòa Xuân Đông.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa cho hay: Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 3 công trình cấp nước nông thôn tập trung là Trạm cấp nước tập trung Vũng Rô, Trạm nước sạch xã Hòa Xuân Đông và Trạm cấp nước sạch xã Hòa Xuân Nam. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung đạt quy chuẩn là 1.182/14.662 hộ, chiếm 8,12%.
“Riêng công trình Trạm nước sạch xã Hòa Xuân Đông hiện do UBND thị xã Đông Hòa quản lý. Sau khi người dân có kiến nghị công trình hoạt động chưa hiệu quả, UBND thị xã đã bàn giao công trình này lại cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên tiếp quản vận hành. Trung tâm đã nhiều lần làm việc với địa phương và các ban ngành để tính toán phương án sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo đưa vào sử dụng công trình theo đúng công suất thiết kế nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Hồng nói.
Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên chia sẻ: Toàn tỉnh hiện có 86 công trình cấp nước nông thôn tập trung. Trong đó, 30 công trình có công suất thiết kế từ 100 m3/ngày đêm trở xuống; 18 công trình có công suất thiết kế trên 100 m3/ngày đêm đến 200 m3/ngày đêm; 18 công trình có công suất thiết kế lớn hơn 200 m3/ngày đêm đến nhỏ hơn 400 m3/ngày đêm; 15 công trình có công suất thiết kế lớn hơn 400 m3/ngày đêm đến nhỏ hơn 600 m3/ngày đêm; 1 công trình có công suất thiết kế 800 m3/ngày đêm; 2 công trình có công suất thiết kế 1.000 m3/ngày đêm; 2 công trình có công suất thiết kế 1.500 m3/ngày đêm.
Về các hạng mục đầu tư của 86 công trình cấp nước nông thôn tập trung toàn tỉnh, có 18 công trình được đầu tư hệ thống khử trùng nước và bể lọc, 20 công trình được đầu tư bể lọc, 30 công trình không có xây dựng bể lọc nước và hệ thống khử trùng nước, 18 công trình đấu nối nguồn từ Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên.
Theo kết quả số liệu cập nhật về bộ chỉ số theo dõi và đánh giá nước sạch nông thôn tỉnh Phú Yên năm 2021 do UBND tỉnh ban hành, trong 86 công trình cấp nước nông thôn tập trung toàn tỉnh, có 54 công trình hoạt động bền vững và tương đối bền vững, còn lại 32 công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam đạt 60,60%.
Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên thông tin thêm: Trung tâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT để trình UBND tỉnh kế hoạch đầu tư, nâng cấp 83 công trình cấp nước nông thôn tập trung đã đầu tư xây dựng ở giai đoạn trước để đảm bảo duy trì hoạt động các công trình này. Ở một số khu vực nông thôn chưa có công trình cấp nước nông thôn tập trung, Trung tâm đề xuất thực hiện giải pháp đầu tư nâng cấp một số giếng đào, giếng khoan và hệ thống xử lý nước tại hộ gia đình.
Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình cấp nước nông thôn tập trung, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng tại những khu vực thuận lợi cho công tác vận hành, quản lý.
Đối với khu vực miền núi khó khăn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đề nghị các địa phương tiếp tục sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (khoảng 80%) và ngân sách địa phương cùng sự đóng góp từ người dân (khoảng 20%) để đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình cấp nước nông thôn tập trung. Từ đó nâng cao được tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.