Thanh Hóa: Công tác giảm nghèo có nhiều chuyển biến

Môi trường - Ngày đăng : 16:44, 12/01/2021

(TN&MT) - Trong gian đoạn vừa qua, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát động nhiều phong trào ủng hộ, giúp đỡ người nghèo phù hợp với điều kiện, nhu cầu của hộ nghèo, nhất là đối với các địa phương vùng sâu vùng xa, các huyện miền núi.

UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nghèo đến từng huyện, huyện xây dựng kế hoạch giảm nghèo đến từng xã, đề ra mục tiêu kế hoạch đến từng hộ và phân công cán bộ, đảng viên hỗ trợ giúp đỡ người nghèo thoát nghèo. Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo, giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nhờ đó, giai đoạn 2016 -2019, toàn tỉnh giảm được hơn 96.600 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từ 13,51% năm 2016 giảm xuống còn 3,27% cuối năm 2019. Đã có 1 huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a; 24 xã bãi ngang ven biển, 5 xã và 55 thôn, bản khu vực miền núi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Người nghèo và cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng đầy đủ và tốt hơn, 100% khẩu cận nghèo được mua bảo hiểm y tế, 95% hộ nghèo có nhà tiêu hợp vệ sinh, 90% hộ nghèo được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, 100% hộ nghèo được tiếp cận dịch vụ thông tin truyền thông, có hơn 30.000 hộ nghèo xây được nhà ở kiên cố.

28-29-2-.jpg

Giai đoạn 2016 - 2019, toàn tỉnh Thanh Hoá đã giảm được hơn 96.600 hộ nghèo

Với Dự án Hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Chương trình 30a, từ năm 2016 đến hết năm 2019, Thanh Hóa đã đưa 970 người là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài. Hỗ trợ lãi suất tiền vay cho người lao động thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 74,782 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo ở khu vực miền núi thời gian qua vẫn còn hạn chế, đó là: Tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao (chiếm trên 10,35%); hộ nghèo dân tộc thiểu số nhiều (15.222 hộ, chiếm tỷ lệ 47,23% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh); vẫn còn 73 thôn, bản thuộc 9 huyện miền núi với 4.102 hộ dân thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa có lưới điện quốc gia; nhiều thôn, bản giao thông đi lại khó khăn, vẫn còn hộ dân thiếu đói lúc giáp hạt...

Theo đó, để thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 - 2025 đối với các huyện miền núi, tỉnh Thanh Hóa cần xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, phân công các Sở, ban, ngành được phân công hỗ trợ, đỡ đầu các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, huy động nguồn lực để hỗ trợ, đỡ đầu các xã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo.

Thu Thủy