Lợi ích kép từ giữ rừng ở Lai Châu

Môi trường - Ngày đăng : 15:47, 08/03/2021

(TN&MT) - Nhờ đẩy mạnh bảo vệ, phát triển rừng đã giúp người dân vùng cao Lai Châu tạo sinh kế, có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Không những thế, rừng được bảo vệ còn góp phần duy trì ổn định nguồn nước, giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu gây ra.

Lai Châu là một tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc với địa hình đồi núi rộng, diện tích đất lâm nghiệp lớn, tạo điều kiện trong việc phát triển kinh tế đồi rừng cho người dân. Tỉnh hiện có hơn 520.000 ha đất lâm nghiệp; trong đó, diện tích đất rừng 470.000 ha, chiếm trên 90% tổng diện tích đất lâm nghiệp.

Xác định rừng và đất rừng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức cho người dân, chủ rừng ký cam kết bảo vệ rừng; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; đưa nội dung này vào hương ước, quy ước của thôn bản, tổ dân phố, khu dân cư.

39-2-min.jpg

Lực lượng kiểm lâm tỉnh Lai Châu thực hiện quản lý bảo vệ rừng

Ông Nguyễn Bá Việt, Phó Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng (Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu) cho biết: Quỹ đã chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR)... gắn với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng có rừng. Đồng thời, lồng ghép, huy động mọi nguồn từ các chương trình để bảo vệ, phát triển rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lai Châu đã chi trả số tiền hơn 2.000 tỷ đồng từ DVMTR cho 78.754 hộ dân, với trên 445.000 ha diện tích rừng; năm 2019, chi trả 114 tỷ đồng cho các hộ dân tham gia trồng rừng thay thế với diện tích hơn 5.500 ha. Trong năm 2015 - 2016, tỉnh có gần 353.000 ha rừng được hỗ trợ khoán bảo vệ rừng từ nguồn vốn 30a và vốn sự nghiệp Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

39-1-min-1-.jpg

Rừng được bảo vệ góp phần tạo sinh kế cho người dân và duy trì ổn định nguồn nước.

Việc bảo vệ, phát triển rừng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực tại địa phương; ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao, số vụ vi phạm giảm dần qua các năm. Năm 2011, số vụ vi phạm bảo vệ và phát triển rừng là 257 vụ thì đến năm 2019 chỉ còn 172 vụ, giảm 85 vụ.

Rừng được bảo vệ, người dân sống được nhờ rừng. Bên cạnh đó, nguồn nước của tỉnh cũng được bảo vệ và duy trì ổn định. Lai Châu có nguồn tài nguyên nước mặt rất phong phú. Toàn bộ diện tích tỉnh thuộc lưu vực sông Đà; mạng lưới sông suối tương đối dày đặc (có khoảng 500 suối lớn, nhỏ). Việc quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Từ việc chú trọng công tác bảo vệ, phát triển rừng gắn với tạo sinh kế cho người dân, Lai Châu đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh từ 41,6% năm 2011 lên 50,16% năm 2019. Trên các sườn núi, cánh rừng ở huyện Mường Tè, Than Uyên, Sìn Hồ, Tân Uyên, Phong Thổ… của tỉnh Lai Châu đến nay đều phủ một màu xanh. Không chỉ góp phần duy trì, bảo vệ nguồn nước, việc giữ rừng còn góp phần quan trọng trong việc phòng chống xói mòn, rửa trôi, ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa, suy thoái đất, giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và là giải pháp lâu dài trong phòng, chống tác động của biến đổi khí hậu.

Thuận Hà