Dần dịch chuyển từ dự báo sang cảnh báo tác động thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:29, 10/11/2022

(TN&MT) - Để cung cấp tới độc giả thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai những tháng cuối năm, đồng thời dự báo sớm, mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống mưa lũ, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV) Quốc gia.

PV: Chúng ta đã đón 7 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong năm 2022, trong đó, nhiều cơn bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Những tháng cuối năm, diễn biến thời tiết của nước ta như thế nào? Ông có cảnh báo gì đến các khu vực bị ảnh hưởng?
Ông Mai Văn Khiêm:
Tháng 11 vẫn là tháng mưa, lũ và bão chính ở khu vực miền Trung, đặc biệt là Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Thống kê số liệu trung bình nhiều năm (TBNN), tổng lượng mưa tháng 11 ở khu vực Trung Trung Bộ phổ biến từ 500 - 700mm, cá biệt tại Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nơi từ 800 - 1000mm. Các dự báo cập nhật mới nhất cho thấy, nửa cuối tháng 11/2022, dự báo mưa có xu hướng cao hơn TBNN nên cần đề phòng khả năng xảy ra mưa lớn ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ trong nửa cuối tháng 11/2022.

Sang tháng 12/2022, bão, áp thấp nhiệt đới vẫn có khả năng xuất hiện trên Biển Đông. Lượng mưa ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ dự báo có xu hướng cao hơn TBNN, tuy nhiên, thời kỳ này lượng mưa theo TBNN đã giảm hẳn so với tháng 11 (phổ biến ở mức từ 200 - 400mm, riêng một số nơi thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi xấp xỉ 500mm; trong khi đó ở Nam Trung Bộ phổ biến dưới 100mm). Do vậy khả năng mưa lớn dồn dập trong tháng 12/2022 là không nhiều.

anh-2(1).png
ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

PV: Để ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, công tác dự báo sớm là rất quan trọng. Hiện nay, công tác dự báo sớm được cơ quan dự báo thực hiện như thế nào? Xin ông nói rõ hơn về định hướng tập trung vào dự báo tác động của Tổng cục KTTV?

Ông Mai Văn Khiêm: Dự báo sớm để có hành động sớm là giải pháp quan trọng nhằm ứng phó hiệu quả, giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hiện nay, chúng ta có thể cảnh báo sớm xu thế hạn mặn từ 3 - 6 tháng, dự báo trước không khí lạnh từ 3 - 5 ngày, cảnh báo trước các đợt mưa lớn diện rộng từ 3 - 5 ngày…

Tuy nhiên, với hiện tượng mưa lớn cục bộ, để đưa ra được một lượng mưa cụ thể, chỉ có thể đưa ra cảnh báo trước từ 24 - 48 giờ. Điều này không chỉ khó với cơ quan dự báo của Việt Nam mà ngay cả các cơ quan dự báo tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản cũng gặp phải. Với cảnh báo mưa gắn với áp thấp nhiệt đới, Nhật Bản đưa ra các cảnh báo khả năng xảy ra mưa trước 48 giờ, và trước 24 giờ đưa ra lượng mưa cụ thể ở từng vị trí để cảnh báo tác động lũ quét, sạt lở đất. Như vậy để thấy, việc cảnh báo thì càng xa càng tốt, dễ đề phòng; còn các hành động gắn với công tác ứng phó như di dời dân thì chúng ta cần dựa vào các bản tin ngắn hạn từ 24 - 48 giờ.

Hiện nay, chúng ta đang chuyển dịch dần sang dự báo tác động. Sẽ không đi sâu, cụ thể nhiệt độ thế nào, mưa thế nào mà tập trung cảnh báo hiện tượng thiên tai như vậy tác động đến cuộc sống bà con, môi trường, sinh kế, xã hội như thế nào. Ví dụ, khi có mưa lớn thì tác động của nó là lũ, ngập lụt; ngập ở đâu, sâu bao nhiêu - đó là tác động. Lũ quét, sạt lở đất cũng là tác động của mưa lớn. Trong các tình huống mưa lớn như thế, có bao nhiêu huyện nằm trong vùng mưa, bao nhiêu người dân nằm trong vùng ngập lụt?... Đó là các thông tin mà cơ quan dự báo phải đưa ra.

Từ phân tích trên có thể thấy, cảnh báo tác động rõ ràng không chỉ phụ thuộc vào những con người làm công tác KTTV mà phải có sự phối hợp đồng bộ, sự chia sẻ thông tin giữa ngành KTTV với các bộ, ngành, địa phương về hiện trạng cơ sở hạ tầng, các đối tượng dễ bị tổn thương. Ví dụ, chúng ta cảnh báo ngày mai có đợt mưa lớn ở khu vực A. Vậy chúng ta cần biết khu vực A hiện có hoạt động công trình xây dựng gì, có nằm trong khu vực dân cư không... Đó là các đối tượng dễ chịu tổn thương nếu mưa lớn xảy ra. Có như vậy chúng ta mới đưa ra được các cảnh báo tác động.

anh-3-1-.jpg

PV: Dự báo lượng mưa là rất quan trọng để ứng phó hiệu quả các hiện tượng thiên tai nguy hiểm như ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên, hiện nay, dự báo chính xác về lượng mưa vẫn là một thách thức lớn với các cơ quan dự báo trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Xin ông cho biết chúng ta đã dự báo chính xác lượng mưa ở mức độ nào?

Ông Mai Văn Khiêm: Độ chính xác trong dự báo mưa trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng phụ thuộc vào thời hạn dự báo (trước bao nhiêu lâu) và loại hình mưa (mưa, mưa lớn, mưa rất lớn, mưa xảy ra ở diện hẹp có tích chất cục bộ…).

Đối với hạn dự báo cực ngắn trước khoảng 6 - 12 tiếng, công nghệ chính hiện nay dựa trên các hệ thống quan trắc vệ tinh và radar với tần suất dữ liệu cập nhật liên tục từ 5 - 10 phút. Kết hợp với các hệ thống quan trắc mưa tự động có thể giúp cảnh báo sớm các hiện tượng mưa cục bộ do dông gây ra trước 1 - 3 tiếng với độ chính xác đạt trên 70%. Đối với dự báo ở các hạn dài hơn từ 3 - 10 ngày, công nghệ dự báo mưa hiện nay chủ yếu dựa trên công nghệ dự báo thời tiết số (các hệ thống mô hình hóa khí quyển thực hiện trên các siêu máy tính) cho phép đưa ra các cảnh báo sớm với độ tin cậy cao về các đợt mưa lớn mang tính chất điển hình, xảy ra trên một vùng diện tích rộng lớn (một vài tỉnh trở lên).

Hiện nay, ngành KTTV đã có rất nhiều tiến bộ trong công tác dự báo mưa lớn diện rộng. Các đợt mưa lớn diện rộng đều được dự báo trước từ 2 - 3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%, một số trường hợp có khả năng cảnh báo mưa lớn trên diện rộng từ trước 5 - 7 ngày.

Thông tin dự báo các đợt mưa lớn diện rộng có độ tin cậy cao về thời điểm xảy ra mưa lớn, khu vực có khả năng xuất hiện mưa lớn, thời điểm kết thúc mưa lớn… Những thông tin dự báo, cảnh báo sớm về các đợt mưa lớn diện rộng sẽ là đầu vào quan trọng để ngành KTTV ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo sớm về lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt,… Các thông tin cảnh báo sớm như vậy đều được chuyển đến các cơ quan hữu quan và người dân để có thể xây dựng các phương án chủ động ứng phó.

Tuy nhiên, đối với dự báo mưa mang tính chất chi tiết, định lượng cụ thể các giá trị xảy ra tại từng vị trí, thời điểm cụ thể, công nghệ dự báo thời tiết số hiện nay vẫn gặp nhiều hạn chế. Theo đánh giá, trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, độ tin cậy của dự báo chi tiết điểm - định lượng cho thời hạn dự báo từ 1 - 3 ngày chỉ có độ tin cậy 40 - 60% đối với hiện tượng mưa, mưa vừa (lượng mưa dưới 25mm trong một ngày). Đối với hiện tượng mưa lớn, từ 25 - 50mm trong một ngày hoặc hơn, khả năng dự báo được của công nghệ dự báo thời tiết số còn rất hạn chế, chỉ phổ biến đạt được từ 20 - 40% và rất thấp (dưới 20%) đối với các khu vực có lượng mưa lớn, mưa cực đoan 50 - 100mm trong một ngày hoặc hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Tùng (thực hiện)