Miền Trung “Chung sống an toàn” với thiên tai ngày càng dị thường: Cập nhật dự báo để giảm nhẹ thiệt hại

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:29, 10/11/2022

(TN&MT) - Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, đặc biệt là những đợt mưa lớn do kết hợp nhiều hình thái thời tiết, chính quyền và người dân cần được cập nhật liên tục thông tin dự báo diễn biến thời tiết, thiên tai và chủ động triển khai các phương án ứng phó với các kịch bản khác nhau.

Đó là chia sẻ của ông Đinh Phùng Bảo - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ về cách chung sống với thời tiết ngày càng cực đoan và khắc nghiệt.

PV: Thưa ông, năm 2022, khu vực Trung Trung Bộ liên tục ghi nhận hiện tượng thời tiết, thiên tai bất thường, điển hình là đợt mưa ngập lịch sử với lượng mưa lên đến hơn 700mm trong nhiều giờ liền ở một số khu vực tại Đà Nẵng. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng thời tiết diễn biến cực đoan như vậy?

Ông Đinh Phùng Bảo: Theo số liệu quan trắc, đợt mưa lũ cực đoan vừa qua kéo dài từ 19h ngày 13/10 đến 7h sáng ngày 15/10 tại các tỉnh, thành miền Trung, phổ biến từ 300 - 550mm. Riêng tại TP. Đà Nẵng, mưa tập trung chính trong thời gian từ 1h ngày 14/10 đến 1h ngày 15/10, một số nơi mưa rất lớn như: Trạm Đà Nẵng 697.6mm, Suối Đá 775.2mm. Có thể nói, đây là trận mưa lịch sử, có tính chất dị thường, khiến TP. Đà Nẵng hứng chịu lượng nước kỷ lục.

Nguyên nhân dẫn đến trận mưa ngập lịch sử vừa rồi là do tác động hình thể mưa điển hình ở miền Trung, tổ hợp đa thiên tai kết hợp của áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và gió Đông. Ngoài ra, đặc điểm địa hình chắn gió ở miền Trung rất dễ gây mưa lớn khi có ảnh hưởng của không khí lạnh.

Mưa xảy ra trong thời đoạn ngắn với cường suất lớn. Thống kê ban đầu cho thấy, lượng mưa trong 6 tiếng đồng hồ lên đến trên 500mm là rất lớn. Cộng với việc tối và đêm 14/10, triều cường tại khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên ở mức cao đã làm chậm quá trình thoát lũ.

ong-dinh-phung-bao-giam-doc-dai-khi-tuong-thuy-van-trung-trung-bo.jpg
Ông Đinh Phùng Bảo - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ

Thông thường, tháng 10 và tháng 11 là thời kỳ khu vực miền Trung có mưa lớn nhất trong năm. Năm nay, cơ quan KTTV đã dự báo có ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, không khí lạnh hoạt động sớm nên mưa lũ khả năng sẽ lớn hơn năm bình thường. Đối với đợt mưa này, cơ quan KTTV cũng đã có cảnh báo rất sớm với lượng mưa phổ biến 200 - 500mm, cục bộ có nơi trên 800mm ở Trung Bộ.

PV: Ông có thể chia sẻ những khó khăn chủ yếu trong công tác dự báo hiện nay và giải pháp, đề xuất gì để nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai, thưa ông?

Ông Đinh Phùng Bảo: Trung Trung Bộ là khu vực có địa hình đa dạng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Những năm qua, Đài KTTV khu vực Trung Trung Bộ đã được Tổng cục KTTV, các địa phương quan tâm đầu tư phát triển về hệ thống trạm quan trắc theo hướng hiện đại - tự động hóa, phát triển ứng dụng công nghệ dự báo, vì vậy, công tác dự báo của Đài đã có những bước tiến đáng kể, phục vụ tốt cho các địa phương trong khu vực.

Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào, hiện tượng nào cũng có thể dự báo được, đặc biệt là các hiện tượng quy mô không gian nhỏ, thời gian ngắn như mưa lớn, sạt lở đất và lũ quét. Diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bão, mưa lớn có xu hướng gia tăng về cường độ cũng như tần suất xuất hiện, đặc biệt, mưa có cường độ lớn thường có nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo thiên tai tại khu vực.

thientai4.jpg

Để nâng cao hơn nữa khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai, cần phải tiếp tục tăng cường mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại tại khu vực thượng lưu các sông suối, vùng núi cao nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo. Đẩy mạnh ứng dụng và triển khai sâu rộng công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo thiên tai. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả và hoàn thiện hệ thống thu thập số liệu, hệ thống dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai, nhằm bảo đảm hiệu quả của công tác dự báo, cảnh báo, truyền tin và ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại 4.0 sẽ giúp khắc phục những bất cập, hạn chế trong các khâu như: quan trắc, đo đạc, lưu trữ, xử lý số liệu đến xây dựng, hoàn thiện công nghệ dự báo.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin của các địa phương để công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin phục vụ phòng chống thiên tai được thực hiện chính xác, hiệu quả và kịp thời hơn.

PV: Thưa ông, từ nay đến cuối năm, liệu có khả năng xảy ra những thiên tai lớn, bất thường hay các đợt mưa lũ cực đoan như vừa qua ở khu vực Trung Trung Bộ? Ông có những khuyến cáo gì đối với các địa phương và người dân trong việc ứng phó với các hiện tượng thiên tai ngày càng bất thường?

Ông Đinh Phùng Bảo: Thiên tai luôn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là những đợt mưa lớn do kết hợp của nhiều hình thể, cộng với triều cường đã và vẫn có thể gây ngập úng đô thị như vừa qua. Vì vậy, chúng tôi mong chính quyền và người dân cập nhật liên tục thông tin dự báo diễn biến thời tiết và thiên tai và chủ động triển khai các phương án ứng phó với các kịch bản khác nhau.

Thông tin dự báo thiên tai KTTV có giá trị là những thông tin cập nhật mới nhất. Thông tin dự báo thiên tai KTTV được Ngành KTTV cung cấp trên các website chuyên ngành như: nchmf.gov.vn, thoitietvietnam.gov.vn, được cung cấp cho các cơ quan chỉ đạo và được gửi tới các cơ quan báo chí truyền thông theo quy định tại Quyết định 18/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai. Rất mong chính quyền địa phương và bà con thường xuyên theo dõi để có biện pháp phòng, chống, ứng phó hiệu quả nhất, an toàn nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)