Miền Trung “Chung sống an toàn” với thiên tai ngày càng dị thường: Ứng phó chuyên nghiệp và thích ứng an toàn hơn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:28, 10/11/2022

(TN&MT) - Từ đầu năm 2022 đến nay, khu vực miền Trung liên tục gánh chịu những đợt mưa lũ lớn trái quy luật, mưa cực đoan khiến người dân không kịp trở tay, gây thiệt hại nặng nề… Yêu cầu đặt ra là cần phòng, chống thiên tai chuyên nghiệp, hiệu quả hơn để “chung sống”.

Thiên tai cực đoan, bất thường

Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp và dị thường, điển hình như đợt mưa lũ lớn trái quy luật ngay giữa mùa khô (từ ngày 30/3 - 2/4) kèm theo dông lốc, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa; gần đây nhất là đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày liền tại các tỉnh miền Trung (từ 2/10 - 15/10) khiến hầu hết các nơi ngập trong biển nước. Từ các vùng núi Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế đến đô thị Đà Nẵng… Thiệt hại trong đợt mưa lớn bất thường này hết sức nặng nề.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, từ ngày 30/4 - 2/10, địa phương có 5 đợt mưa lớn diện rộng, lũ quét tại huyện Kỳ Sơn. Thiên tai đã làm 11 người tử vong. Mưa lũ cũng khiến 100 nhà bị sập, hư hỏng, di dời 322 căn… Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra ở Nghệ An là hơn 1.226 tỷ đồng, trong đó, chỉ riêng đợt mưa lũ do hoàn lưu cơn bão số 4 (bão Noru) là hơn 908 tỷ đồng.

thientai3.jpg

Đặc biệt, đợt mưa ngập lịch sử trong 2 ngày 14 và 15/10 tại TP. Đà Nẵng đã để lại hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản, 4 người đã tử vong. Đây là điều bất ngờ không chỉ với người dân Đà Nẵng. Bởi không ai có thể hình dung, một đô thị loại 1 lại có thể tan hoang đến vậy sau trận mưa lớn.

Tổng lượng mưa trong khoảng 16 tiếng lên tới hơn 700mm, cao hơn cả tổng lượng mưa trung bình 1 tháng. Vài tiếng sau mưa, những con đường của TP. Đà Nẵng biến thành sông. Nước dâng cao và quá nhanh, hầu hết các gia đình không kịp sơ tán đồ đạc. 1 - 2 ngày sau mưa, nhiều khu dân cư vẫn ngập nước, rác lẫn với đồ đạc trôi khắp nơi. Hàng ngàn ô tô, xe máy hư hỏng nặng. Nhiều tuyến đường bị sạt lở, đứt gãy nghiêm trọng, đất đá ngổn ngang đến nay vẫn chưa khắc phục xong.

Chuyên nghiệp hơn trong phòng chống thiên tai

Mưa lũ, thiên tai dị thường đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân miền Trung. Đợt mưa lũ vừa qua là bài học kinh nghiệm thấm thía trong công tác dự báo của cơ quan chức năng, cũng như kinh nghiệm phòng chống mưa lũ cho mỗi người dân.

Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cho biết, công tác dự báo về lượng mưa chưa theo kịp diễn biến thực tế mưa, lũ, cụ thể thời điểm mưa lớn và định lượng mưa trên địa bàn. Công tác ứng phó có phần chưa chủ động do không xác định được đầy đủ tình trạng mưa, lũ. Tâm lý chung của người dân những năm qua quan tâm đến ứng phó với bão và ngập lũ vùng nông thôn hơn so với ngập lụt đô thị diện rộng. Do đó, sau đợt mưa lũ lịch sử này, Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành phân tích, đánh giá những bài học kinh nghiệm, rà soát lại phương án chống ngập đô thị và trung tâm cho phù hợp hơn với thực tiễn hạ tầng, đô thị của thành phố.

thientai2.jpg

Khẳng định thiên tai bất thường, dị thường chắc chắn sẽ ngày càng gia tăng và khắc nghiệt, ông Nguyễn Trường Thành - Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Nghệ An nhấn mạnh: Không còn cách nào khác ngoài việc chung sống với nó. Thực tế, công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua đã được chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Tuy nhiên, trước những diễn biến thiên tai phức tạp và bất thường ngày càng gia tăng, đòi hỏi chúng ta phải chủ động ứng phó với tầm nhìn xa hơn, chuyên nghiệp hơn và tập trung nhiều nguồn lực hơn.

Hiện, nước ta đã xây dựng được bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đây là một bước tiến giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành cũng như giám sát các tỉnh, thành đem lại hiệu quả tốt hơn. Thông qua chỉ số phòng, chống thiên tai các địa phương, có thể xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, giúp cho các tỉnh, thành phố, trong đó có Nghệ An có điều chỉnh cần thiết về nội dung, giải pháp trong triển khai công tác phòng, chống thiên tai hằng năm.

Ông Nguyễn Trường Thành cũng cho rằng, dự báo sớm, chính xác, cụ thể là chìa khóa giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, do đó, cơ quan chức năng cần đưa ra dự báo sớm hơn để người dân chủ động trong công tác ứng phó.

ong-hoang-hai-minh-pho-chu-tich-ubnd-tinh-thua-thien-hue(1).jpg
Ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

Phát huy “5 tại chỗ” và ứng dựng công nghệ thông tin

Thừa Thiên - Huế là vùng liên tục gánh chịu ảnh hưởng của thiên tai nên công tác phòng chống luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thường xuyên. Theo đó, tỉnh luôn tuân thủ theo phương châm “4 tại chỗ” và phát huy hiệu quả phương châm thứ 5 là “tự quản tại chỗ”. Yêu cầu đặt ra của phương châm là cấp ủy, chính quyền địa phương phải quyết liệt lấy cơ sở làm địa bàn trọng tâm chỉ đạo, người dân tự quản, nâng cao vai trò trưởng thôn, tổ dân phố. Phải quản lý, bảo vệ người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ tổn thương như người già neo đơn, phụ nữ mang thai, người bệnh hiểm nghèo, người nghèo; cha mẹ quản lý, bảo vệ con cái; trường học, thầy cô bảo vệ học sinh...
Cùng với đó, công tác chỉ đạo vận hành liên hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện phải thực hiện đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt, thường xuyên theo dõi diễn biến để xử lý phù hợp. Đặc biệt, tích hợp quản lý phòng chống thiên tai vào Trung tâm điều hành đô thị thông minh tỉnh mà ứng dụng Hue - S là điển hình.
Hiện, tỉnh đang tập trung nhiều nguồn lực cho lực lượng xung kích tại chỗ. Lực lượng này được bố trí tại các khu dân cư, cụm gia đình, vùng xung yếu... khi nước lũ dâng cao, hạn chế tối đa thiệt hại về người. Vừa qua, sau đợt mưa lũ giữa tháng 10, tỉnh yêu cầu người dân đánh dấu số liệu ngập lụt để cải thiện công tác dự báo, cảnh báo ngập lụt, vận hành tốt hơn các hồ chứa. Tỉnh cũng đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền phục vụ cứu trợ khi có thiên tai xảy ra trong thời gian tới.

ong-tran-van-phuc-giam-doc-so-nong-nghiep-va-ptnt-binh-dinh(1).jpg
Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN& PTNT Bình Định

Nâng cấp công nghệ và hệ thống phân tích rủi ro thiên tai

Để đề phòng xảy ra bão dồn dập trong các tháng cuối năm 2022, tỉnh Bình Định chủ động xây dựng các kịch bản khác nhau ứng phó với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét trên phạm vi toàn tỉnh.
Hằng năm, Bình Định đều tổ chức rà soát và ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh. Kiện toàn tổ chức, bộ máy chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp đảm bảo năng lực hoạt động có hiệu quả. Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai cấp huyện, cấp xã bằng các lớp đào tạo, tập huấn. Tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Quy hoạch các khu tái định cư, ổn định dân cư, bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng… giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã nâng cấp công nghệ và hệ thống phân tích rủi ro thiên tai hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững thích ứng biến đổi khí hậu. Triển khai thực hiện “Chương trình truyền thông về phòng, chống thiên tai - Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng”. Ưu tiên phát triển trồng rừng phòng hộ hỗn loài trên quy mô rộng, nhiều loài cây bản địa như sao đen, lim xanh được đưa vào trồng nâng cao hiệu quả phòng hộ, góp phần phục hồi hệ sinh thái rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Lồng ghép các dự án phát triển lâm nghiệp với các chương trình, dự án giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

ong-nguyen-hao-pho-giam-doc-so-nn-ptnt-tinh-nghe-an(1).jpg
Ông Nguyễn Hào - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An

Giải pháp công trình kết hợp phi công trình

Để chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là các hình thái thiên tai dị thường thời gian tới nhằm giảm thiểu thiệt hại, theo tôi, cần kết hợp thực hiện những giải pháp công trình và phi công trình.
Về giải pháp công trình, các hệ thống tiêu thoát lũ cần tiến hành nạo vét, thông thoát dòng chảy, đảm bảo mặt cắt tiêu thoát lũ; Nâng cấp, gia cố, hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê bao nội đồng đảm bảo tần suất chống lũ theo tiêu chuẩn hiện hành; Nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa chưa đảm bảo an toàn trong phòng, chống lũ; Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ tại các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng; Tiến hành khảo sát, xây dựng các trạm bơm tiêu tại các vùng trũng thấp để đảm bảo tiêu thoát lũ.
Đối với giải pháp phi công trình, luôn rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt; Tập trung vận hành phù hợp các liên hồ chứa, hồ chứa; đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; Thông tin, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Đê điều.
Nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đó, chú trọng đến công tác tổ chức cứu nạn, cứu hộ; Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là lũ lụt; Đối với các hồ chứa nước, cần xây dựng bản đồ ngập lụt, phương án ứng phó trong các tình huống khẩn cấp, vỡ đập; Lãnh đạo chính quyền các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, sẵn sàng sơ tán dân khi xảy ra mưa lớn tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Mỹ Bình - Đình Tiệp - Văn Dinh (lược ghi)

Tiệp Anh