Thúc đẩy chất lượng, hoàn thiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm VLXD

Tài nguyên - Ngày đăng : 20:28, 09/11/2022

(TN&MT) - Liên quan đến Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và các chuyên gia đã có nhiều ý kiến đóng góp về công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng tài nguyên cũng như chất lượng nguồn nhân lực, công nghệ, thiết bị trong khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng… nhằm giúp Bộ Xây dựng nâng cao chất lượng, hoàn thiện Quy hoạch.
173754_01-ujrg(1).jpg
Khai thác than ở doanh nghiệp thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Theo TS. Quách Đức Tín, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT), đơn vị tư vấn của Quy hoạch, việc khai thác khoáng sản tiết kiệm, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường chính là việc các bên cần phải chú trọng thực hiện. Ngoài ra, các bên cần định hướng giải pháp để làm ổn định việc khai thác cũng như giảm thải chất thải ra bên ngoài môi trường.

Đồng thời, cần vạch rõ vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý, các Bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ TN&MT trong việc quản lý và giám sát công tác cấp phép khai thác khoáng sản.

Đề cập đến vấn đề Quy hoạch chồng quy hoạch, đại diện Viện Khoa học công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương), đơn vị tư vấn của Quy hoạch đề xuất các giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch, gồm các giải pháp về cơ chế, chính sách; tài chính, đầu tư; khoa học, công nghệ, môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch… Trong đó, các giải pháp tài chính, đầu tư, khoa học, công nghệ và môi trường là những yếu tố quan trọng bảo đảm phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng bền vững, bảo đảm chất lượng, hiệu quả Quy hoạch.

TS. Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch Tổng Hội địa chất Việt Nam cho rằng, cần khuyến khích triển khai thực hiện việc quản lý theo hướng khai thác xanh, khai thác khoáng sản tuần hoàn. Đối với các dự án đang làm chậm, phải có phương án dự phòng bổ sung.

Bên cạnh đó, việc khai thác khoáng sản phải đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường, cần có đánh giá thực tế về trữ lượng khoáng sản, tăng cường xúc tiến đầu tư về đá hoa để doanh nghiệp có cơ hội học tập trao đổi. Nhà nước cần có chính sách thuế phí hợp lý để doanh nghiệp yên tâm khai thác.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Phòng cho biết, trước thực tế khối lượng xi măng sản xuất ngày càng tăng cao, công tác khai thác khoáng sản càng quan trọng. Hiện nay, một số nhà máy mở rộng quy mô sản xuất đã có những biện pháp làm giảm thiểu tác hại môi trường trong việc khai thác khoáng sản xi măng, nhiều giải pháp đã và đang được các nhà máy áp dụng có hiệu quả. Mục tiêu chính của các nhà máy là xây dựng các biện pháp bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên của đất nước, tiến tới nói không rác thải và tuần hoàn tự nhiên.

Đại diện Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hải Phòng kiến nghị, trong thời gian tới, Nhà nước nên có thêm nhiều chính sách ưu đãi, giảm bớt thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc khai thác khoáng sản.

Về việc khai thai khoáng sản tại địa phương, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam thừa nhận, công tác khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, gây ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, tỉnh Hà Nam đang tiến hành rà soát lại việc khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, khuyến khích các bên liên quan áp dụng khoa học công nghệ mới để bảo vệ môi trường. Các cấp quản lý sẽ thường xuyên kiểm tra độ bụi, khí thải rắn, nước thải và chủ động ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong khai thác khoáng sản…

Đánh giá về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, ông Phạm Văn Bắc - Trưởng ban Quản lý Quy hoạch, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Quy hoạch đã bám sát các nội dung Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 10-NQ/TW), cũng như Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Ngày 9/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 995/QĐ-TTg giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia, trong đó Bộ Xây dựng được giao lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050; Liên danh Tư vấn lập quy hoạch là Viện Khoa học công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương) và Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) đã được Bộ Xây dựng lựa chọn là đơn vị tư vấn lập Quy hoạch.

Mai Đan