Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều giúp phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:53, 07/11/2022
Hệ thống đê còn nhiều vị trí xung yếu
Những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu kéo theo những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, mưa lớn, lũ, úng ngập, sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Do đó, đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp các công trình đê điều, thủy lợi là một trong những giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất những tác động xấu của biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, góp phần giảm nghèo bền vững.
Thống kê từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến ngày 12/10, trên cả nước đã xảy ra 4 cơn bão; 1 cơn áp thấp nhiệt đới; 206 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 197 trận dông lốc, sét; 82 vụ sạt lở bờ sông; 226 trận động đất; 9 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại. Thiên tai đã khiến 139 người chết, mất tích, 211 người bị thương; 630 nhà sập, 15.729 nhà hư hỏng, tốc mái; 247.460ha lúa, hoa màu và 44.795ha cây trồng khác ngập úng, thiệt hại... Thiệt hại ước tính trên 5.167 tỉ đồng.
Thiên tai cực đoan đã đặt ra những thách thức rất lớn cho công tác đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống thiên tai. Thực tế cho thấy, từ năm 2017 đến nay, liên tiếp xảy ra những trận mưa lũ lớn, dị thường. Điển hình là lũ lớn trên sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) năm 2017 vượt lũ lịch sử năm 1985 đến 29 cm làm 82 km đê bị tràn và xấp xỉ tràn, gây ra 242 sự cố đê điều. Năm 2018, lũ trên sông Bứa (tỉnh Phú Thọ) vượt lũ lịch sử năm 1975 là 1,26 m. Năm 2020, mưa lớn dồn dập ở các tỉnh miền Trung (có nơi mưa trên 4.000 mm) đã gây ra các trận lũ lớn, đặc biệt lớn trên 16 tuyến sông chính (7 tuyến sông đã vượt mức nước lũ lịch sử).
Theo Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng, chống thiên tai), đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống công trình đê điều có quy mô rất lớn, với chiều dài khoảng 9.220 km đê (6.458 km đê sông, 1.171 km đê cửa sông, 1.320 km đê biển). Trong đó, hơn 2.740 km đê được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt, cùng với số lượng khổng lồ các công trình trên tuyến, với hơn 1.035 km kè bảo vệ đê, 1.563 cống dưới đê, 632 kho, bãi vật tư dự trữ phòng, chống lụt, bão, 1.405 điếm canh đê,… Đây là hệ thống công trình có nhiệm vụ chống lũ triệt để, bảo vệ cho các khu vực dân cư tập trung, diện tích và độ sâu ngập lụt lớn, các cơ sở hạ tầng, trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước.
Cùng với hệ thống hồ chứa thượng nguồn các dòng sông góp phần giảm thiểu và điều tiết lũ, hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng, là thành trì vững chắc trước thiên tai lụt, bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, mặc dù hệ thống đê điều của nước ta cơ bản đã được khép kín và khá đồng bộ, song các tuyến đê chủ yếu được đắp bằng đất, hình thành từ lâu đời, nên hệ thống đê còn tồn tại nhiều vị trí xung yếu. Qua công tác đánh giá hiện trạng đê điều trước mùa bão, lũ năm 2021, đến nay trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt vẫn còn tồn tại 200 trọng điểm xung yếu; 316km đê còn thiếu cao trình, nguy cơ bị tràn khi gặp lũ thiết kế; 498km đê còn nhỏ hẹp, chưa đủ mặt cắt thiết kế; 174km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 386 cống cũ, hư hỏng; 233km kè hư hỏng, xung yếu...
Ứng dụng công nghệ trong quản lý đê điều
Tác động của biến đổi khí hậu đã gây ảnh hưởng lớn, lâu dài đến đa dạng sinh học và tài nguyên đất, nước, rừng, các công trình thủy lợi, đê điều, làm thay đổi lượng mưa, dòng chảy và phân bố mưa trên các vùng, tăng nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh, ảnh hưởng tới sản xuất, giảm năng suất và chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Để ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có giải pháp quan trọng hiện nay là khắc tình trạng sạt lở bờ sông, ngập úng, lũ lụt bằng giải pháp công trình và phi công trình, cụ thể là xây dựng các công trình nâng cấp đê điều, thủy lợi, từ đó cải thiện năng lực thoát lũ.
Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, trong những năm qua, Tổng cục đã có nhiều giải pháp căn cơ, mang tính đổi mới để mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Trước hết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được Tổng cục quan tâm nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh từ rất sớm; với 2 bộ luật là Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai cùng hệ thống các văn bản dưới luật được xây dựng, rà soát, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn đã mang lại hiệu quả cao cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn, lập và phê duyệt các quy hoạch đê điều, quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của tuyến sông có đê cũng được quan tâm triển khai thực hiện, làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp và kiên cố hóa đê điều...
Ngoài ra, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã tham mưu Bộ NN&PTNT phát động phong trào thi đua "Xây dựng đê kiểu mẫu", nhiều tuyến đê kiểu mẫu, nhiều Hạt Quản lý đê điển hình đã được xây dựng thông qua việc lồng ghép vào các chương trình, dự án, đề án, các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội nhằm tận dụng mọi nguồn lực cho đê điều. Các tuyến đê kiểu mẫu không chỉ đảm bảo chống lũ theo thiết kế mà còn được chỉnh trang sạch đẹp tạo cảnh quan, môi trường, là những tuyến đê công viên, đồng thời góp phần to lớn cho phát triển giao thông, kết nối, giao lưu, phát triển bền vững kinh tế - xã hội và văn hóa giữa các vùng miền.
Trước diễn biến thiên tai ngày một thất thường, khắc nghiệt và cực đoan, ông Trần Quang Hoài, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, Tổng cục đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm và chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý đê điều, phòng, chống thiên tai.
“Đến nay, đã triển khai xây dựng, tích hợp bộ cơ sở dữ liệu của trên 2.700 km đê; 200 trọng điểm đê xung yếu; hệ thống camera giám sát, phần mềm theo dõi mực nước theo thời gian thực… vào hệ thống webgis cơ sở dữ liệu đê điều, phần mềm giám sát thiên tai để phục vụ công tác quản lý, kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đưa ra những quyết định nhanh nhất, phù hợp nhất với diễn biến thiên tai”, ông Trần Quang Hoài cho biết.
Bên cạnh đó, để công tác hộ đê, phòng chống lũ, bão bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong thời gian trước mắt và lâu dài, bên cạnh việc tăng cường đầu tư củng cố, tu bổ đê điều, xóa dần đi các trọng điểm xung yếu, từng bước nâng cấp hệ thống đê theo yêu cầu phòng, chống lũ, bão, Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương, các cấp, các ngành cần nhanh chóng khắc phục các mặt còn yếu kém, khiếm khuyết, đặc biệt là tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trước các hiểm họa thiên tai như mưa, lũ, bão.
Báo cáo đánh giá hiện trạng của các địa phương trước mùa bão, lũ năm 2022 cho thấy, chỉ tính trên 2.740 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt vẫn còn tồn tại trên 242 trọng điểm đê điều xung yếu phải xây dựng phương án bảo vệ trong mùa lũ; 316 km đê còn thấp, thiếu cao trình, nguy cơ bị tràn khi gặp lũ thiết kế; 498 km đê còn nhỏ hẹp, chưa đủ mặt cắt thiết kế; 174 km đê thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 386 cống cũ, hư hỏng; 233 km kè hư hỏng, xung yếu…