Cây mét “nâng đời” dân miền Tây xứ Nghệ

Xã hội - Ngày đăng : 16:08, 02/11/2022

(TN&MT) - Đến với huyện miền Tây Nghệ An hôm nay, thấp thoáng dưới chân những khoảnh đồi lúp xúp hay dưới bìa rừng là ngút ngàn màu xanh của cây tre (hay còn được dân địa phương gọi là cây Mét) một loại cây không lạ nhưng những năm gần đây lại góp phần “đổi đời” cho bà con người dân tộc Thái…

Chúng tôi đến bản Bãi Gạo, xã Châu Khê, huyện Con Cuông vào những ngày cuối năm để thấy cuộc sống bà con thay đổi nhanh chóng từ khi trồng cây Mét. Phía dưới các chân đồi thấp, hai bên bờ sông, bờ khe, con suối… là những khu rừng tre, Mét bạt ngàn, xanh biếc. Theo thống kê năm 2020, toàn tỉnh Nghệ An Mét có khoảng 5.582,65 ha trên 7 triệu cây tre, mét 11,9 triệu cây.

Sau nhiều năm trồng, ước tính thu nhập từ cây Mét cao hơn phát triển cây Keo từ 2-5 lần. Ngoài tính ưu việt về lợi ích kinh tế, việc phát triển cây Mét mang lại nhiều lợi ích xã hội và môi trường. Trồng Mét đầu tư xây dựng cơ bản 1 lần, nếu phát triển tốt thì duy trì được 30 - 40 năm mới phải trồng lại và khai thác lựa chọn, cắt tỉa hàng năm. Rừng Mét có khả năng bảo vệ đất, bảo vệ nước, phòng chống xói mòn rất tốt. Cây Mét cũng được chế biến thành nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và công nghiệp, thu hút nhiều lao động, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và tăng thu ngân sách cho địa phương.

1(1).jpg
  1. Anh Lộc Văn Ngoan, bản Bãi Gạo (xã Châu Khê) thu hoạch mét. Ảnh: Thanh Phúc

Mét là loài cây đem lại lợi ích kinh tế tương đối cao sau 5 năm trồng nếu kinh doanh áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì mỗi ha mét cho khoảng 30 triệu đồng/năm. Điều làm bà con phần khởi từ khi trồng Mét là họ không phải lo đầu ra cho sản phẩm bởi đã có hàng loạt các doanh nghiệp thu mua, chế biến lâm sản lớn cùng đồng hành như: Công ty TNHH Đức Phong, Công ty TNHH Lâm sản Khánh Tâm, Công ty TNHH Làng Tăm Việt, Công ty TNHH Mây Tre Sáng tạo, Công ty TNHH Vibabo, một số doanh nghiệp, hộ gia đình chế biến lâm sản nhỏ lẻ, trên địa bàn huyện đã hình thành Công ty TNHH Khôi Trúc chuyên chế biến các mặt hàng từ cây tre Mét với công suất nhu cầu 60.000 tấn/năm.

Những ngày tháng cuối năm này là thời điểm người dân ở các huyện miền núi Nghệ An bước vào mùa thu hoạch tre, Mét. Tre, mét năm nay được bán với giá khá cao, bình quân từ 20.000 - 30.000 đồng/cây, tùy cây to, nhỏ, dài, ngắn. Với giá đó, bà con nông dân rất phấn khởi. Nhiều hộ không những đã thoát nghèo nhờ tre, mét, mà còn khá giả hơn rất nhiều so với những năm trước đây.

Gia đình anh Lộc Văn Ngoan (bản Bãi Gạo, xã Châu Khê, huyện Con Cuông) có hơn 1ha trồng mét. Với giá bán trên thị trường hiện nay, 1ha mét gia đình anh thu về khoảng 25-30 triệu đồng mỗi năm, trừ chi phí còn lãi ròng khoảng 15-20 triệu đồng.

Anh Ngoan cho biết: “Mét là dạng cây lưu gốc nên trồng 1 lần cho thu hoạch chu kỳ 40-50 năm, không tốn công chăm sóc, thu hoạch luân phiên nhiều lứa trong năm. Mấy năm gần đây, giá Mét tăng, thương lái thu mua tận nơi nên người dân rất phấn khởi trồng và chăm sóc”.

2(1).jpg
  1. Sau khi thu hoạch, mét được thương lái tận nơi thu mua. Ảnh: Thanh Phúc

Với diện tích 7ha trồng, khoanh nuôi và bảo vệ, gia đình ông Lô Văn Tiếp (bản Khe Rạn, xã Bồng Khê) mỗi năm có thu nhập khoảng 150 - 200 triệu đồng từ cây nguyên liệu này. Nhờ có cây Mét mà ông xây được nhà, mua sắm được tiện nghi phục vụ cuộc sống. Ngoài bán cây mét nguyên liệu thì còn bán măng nên kinh tế gia đình ngày càng khấm khá...

Nếu như trước đây, cây Mét được trồng manh mún, nhỏ lẻ, chỉ phục vụ đan lát của các hộ dân thì nay, đi đôi với việc khoanh nuôi bảo vệ diện tích sẵn có, cây mét được bà con trồng với diện tích lớn, quy hoạch thành vùng và trở thành vùng nguyên liệu.

Gặp gỡ TS. Nguyễn Công Trường, Đại học Kinh tế Nghệ An, người đồng hành cùng bà con nhiều năm qua cùng cây Mét, ông Trường cho biết, qua khảo sát các đối tượng là người dân sống trên địa bàn một số huyện thuộc khu vực miền Tây Nghệ An về phát triển kinh tế cây Mét trong thời gian qua, kết quả cho thấy cơ bản đều cho rằng thu nhập bình quân những hộ gia đình có kinh doanh cây Mét đều cho thu nhập chính đối với gia đình họ (bình quân từ 5 -10 triệu/tháng).

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thường gặp một số khó khăn như: đường kính cây nhỏ, số lượng măng giảm dần theo năm, một số gốc bị chết dần, mét bị khuy, sâu bệnh, trâu bò phá hoại…

Nguyên nhân là do kiến thức năng lực về kỹ thuật và quản lý về phát triển cây Mét của cộng đồng đồng bào DTTS, cán bộ địa phương còn hạn chế, bất cập. Các mô hình thành công phát triển Mét của nhân dân địa phương ít được truyền thông, chậm được điều tra, khảo sát, tổng kết đánh giá để nhân rộng, phát triển ra quy mô lớn, có nhiều hộ tham gia, tạo nên khối lượng hàng hóa và hiệu ứng phát triển KTXH lớn, lan tỏa trong vùng.

Để thực hiện hiệu quả mô hình này, TS. Trường đề xuất, thực hiện quy hoạch vùng nhằm phát huy tiềm năng sẵn có cây mét trên toàn diện tích sẵn có phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái và nhu cầu của các hộ có tiềm năng đất đai để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tỉnh Nghệ An cùng cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, nguồn vốn... tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp, người dân tham phát triển cây mét. gắn liền với chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm để bảo vệ quyền lợi của người trồng Mét. Tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về cây mét trên địa bàn. Xây dựng chính sách ưu tiên trong sản xuất, đăng ký, lưu hành sản phẩm đáp ứng với thực tiễn và phù hợp quy định hiện hành.

3(2).jpg
  1. Cây mét nguyên liệu đang trở thành cây trồng hàng hóa chủ lực ở nhiều địa phương huyện Con Cuông. Ảnh: Thanh Phúc

Tập trung nghiên cứu chọn tạo, phục tráng, công nhận, bảo hộ các sản phẩm từ mét; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình kỹ thuật về canh tác, khảo nghiệm, chứng nhận chất lượng đối với cây Mét. Cần nghiên cứu và phát triển giống mới vì hiện nay vẫn dựa vào các giống địa phương, năng suất thấp. Nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, điều tra, nghiên cứu đề xuất biện pháp quản lý tổng hợp sâu bệnh hại. Tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ về quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cho các hộ dân trực tiếp kinh doanh, cũng như sản xuất các sản phẩm từ cây mét. Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại để chế biến, bảo quản sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Và để liên kết, phát triển bền vững, cần thực hiện tốt mô hình liên kết “bốn nhà”: Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nhà nông, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Mối liên kết đó sẽ giúp hình thành và phát triển hướng đi với bốn mục tiêu chiến lược phát triển xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị từ mét: Nguyên liệu xanh, công nghệ xanh, sản phẩm xanh, dịch vụ xanh. Chỉ có liên kết mới tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp sản phẩm từ cây mét phát triển, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ghi chép của: Trường Giang