Sự hồi sinh của NMNĐ Thái Bình 2: Bài 1: Không bao giờ bị bỏ lại phía sau
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 15:36, 09/11/2022
Trong quá trình xây dựng, dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 phải đối mặt với diễn biến phức tạp từ những vấn đề đến từ quá khứ và sai lầm của một số cá nhân của Tổng thầu dự án.
Ngay trong giai đoạn 2015 - 2016, Ban QLDA đã dự đoán được tình hình về cuối dự án sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn tài chính và nhân sự từ Tổng thầu nên đã tổ chức hàng trăm cuộc họp, tổng hợp ý kiến, giải trình lên các cấp nhưng hầu hết đều gặp phải những vướng mắc về cơ chế, pháp luật. Đây là việc bất khả kháng vì các tổ chức tài chính tài trợ cho dự án vin vào 2 điều là dự án gặp vướng mắc liên quan đến pháp luật và xu thế hạn chế cho vay đối với các dự án nhiệt điện để không tiếp tục giải ngân.
Trước tình hình nêu trên, Petrovietnam mà đại diện là Ban QLDA đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp để gỡ khó cho dự án. Ban đầu, kiến nghị gồm hàng chục vấn đề cần tháo gỡ, sau dần rút lại chỉ còn 1 kiến nghị duy nhất là xin phép để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sử dụng vốn của Tập đoàn để hoàn thành dự án.
Trong suốt hai năm 2017 - 2018, hàng chục đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh, kiểm tra dự án. Đưa ra nhiều kết luận khác nhau khiến tâm lý cán bộ công nhân viên tại dự án luôn trong tình trạng căng thẳng. Đỉnh điểm là hơn 40 cán bộ, đảng viên dày dạn kinh nghiệm với gần chục năm công tác tại dự án đã đồng loạt xin nghỉ việc.
Đó là chưa kể đến việc đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến việc huy động chuyên gia nước ngoài của nhà thầu chế tạo thiết bị công nghệ độc quyền, nhà thầu chạy thử cũng như việc cung cấp nhân lực, vật tư... đều bị đình trệ, ách tắc dài ngày. Mặt khác, giá cả vật liệu, vật tư tăng đột biến (như thép, tôn, cáp điện...) làm ảnh hưởng tiến độ nhiều hạng mục, gây phát sinh các chi phí. Trong đó, nhiều hạng mục xây dựng, lắp đặt đều hoàn thành hơn 90% nhưng không thể hoàn thiện vì thiếu kinh phí, thiết bị.
Đứng trước bối cảnh dự án có thể bị “tan tác” bất cứ lúc nào, nguy cơ lớn nhất từ chính sự “buông súng” của những người trong trận chiến, Đảng bộ Petrovietnam đã quyết đoán khi ban hành nghị quyết liên tịch, công bố ngay tại dự án vào ngày 06/10/2017.
Theo đó, Nghị quyết liên tịch Đảng ủy - HĐTV - Tổng giám đốc PVN số 6356 nêu rõ: “Tập thể Thường vụ Đảng ủy, HĐTV và Ban Tổng giám đốc PVN thống nhất ý chí, huy động cả hệ thống chính trị, tập trung cao nhất các nguồn lực của toàn Tập đoàn, quyết tâm thực hiện hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 trong thời gian sớm nhất”.
Nghị quyết này thể hiện tinh thần của Tập đoàn, với tư cách là chủ đầu tư của dự án, thể hiện quyết tâm huy động toàn bộ hệ thống chính trị bao gồm cấp ủy, các ban chuyên môn, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… đều phải tích cực tham gia hỗ trợ thực hiện triển khai dự án.
Trong đó, Petrovietnam đã và sẽ xây dựng các giải pháp, cơ chế để thực hiện và hoàn thành dự án. Cụ thể: Huy động nhân sự có chất lượng cao, các nguồn lực từ Công ty Mẹ - Tập đoàn, các đơn vị thành viên để tăng cường năng lực của Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí - PVC (nay là PETROCONs), bao gồm Ban điều hành dự án NMNĐ Thái Bình 2 của PVC.
Tập đoàn đã thành lập Ban chỉ đạo đặc biệt về Dự án NMNĐ Thái Bình 2 để quyết định hoặc đề xuất các giải pháp cấp bách theo thẩm quyền, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đã đặt ra là đưa NMNĐ Thái Bình 2 vào vận hành trong thời gian sớm nhất.
Trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, Tập đoàn phân công một thành viên HĐTV làm Trưởng ban, một Phó Tổng giám đốc Petrovietnam làm Phó Trưởng ban cùng 22 thành viên là lãnh đạo các đơn vị, tổ chức chính trị của Tập đoàn.
Ban chỉ đạo đặc biệt của Tập đoàn khuyến khích khen thưởng kịp thời các cán bộ có trách nhiệm hoàn thành công tác trong quá trình triển khai dự án.
Tập thể lãnh đạo Tổng thầu PETROCONs bao gồm Ban Thường vụ Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại PETROCONs có trách nhiệm triển khai ngay các giải pháp cấp bách thúc đẩy dự án. Trong đó, đồng chí Tổng giám đốc PETROCONs có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho dự án; kịp thời báo cáo lãnh đạo Tập đoàn những khó khăn vướng mắc để được hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết trong quá trình thực hiện.
Cần phải nói thêm rằng, để ban hành được nghị quyết liên tịch nêu trên là cả một quá trình mà Tổng giám đốc Tập đoàn, Ban QLDA phải thuyết phục từng thành viên trong Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn bằng những luận chứng kinh tế kỹ thuật từ thực tế dự án. Phải trả lời rõ câu hỏi khi NMNĐ Thái Bình 2 đi vào hoạt động có lợi ích như thế nào đối với an ninh năng lượng quốc gia, đối với địa phương và chính hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Bởi vậy, chỉ khi toàn bộ lãnh đạo Đảng ủy Tập đoàn thống nhất được ý chí và quyết tâm mới thực sự là điểm tựa cho dự án chuyển động trở lại, là cơ sở để lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem xét giải quyết các vướng mắc về cơ chế.
Là người thường xuyên theo dõi thông tin và được cho phép có mặt tại các thời điểm khó khăn nhất của dự án NMNĐ Thái Bình 2, người viết bài cho rằng, Nghị quyết số 6356 là cực kỳ quan trọng và kịp thời. Nghị quyết của Đảng bộ Tập đoàn không chỉ là quyết sách quan trọng của lãnh đạo Tập đoàn mà còn là sự khẳng định niềm tin của tập thể cán bộ, đảng viên Petrovietnam luôn tin vào những việc làm đúng đắn, tin vào sự sáng suốt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Nghị quyết này không chỉ giúp nâng cao nhận thức chính trị của đảng viên tại dự án NMNĐ Thái Bình 2 mà còn là lời cảnh tỉnh cho các đảng viên thiếu ý thức, xóa tan những thông tin lệch lạc, trái chiều tác động đến tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người lao động tại dự án và cả Tập đoàn. Đó là niềm tin về sự đoàn kết, không bỏ lại ai ở phía sau của người đảng viên Dầu khí.
Bài 2: Làm dự án phải "Chí công vô tư"