Ứng phó xâm nhập mặn vùng ĐBSCL - thực trạng và giải pháp - Cách làm hiệu quả của Bến Tre

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:06, 08/11/2022

(TN&MT) - Trước tình trạng địa phương thường xuyên phải đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn, tỉnh Bến Tre đã và đang linh hoạt tích trữ nước ngọt, thực hiện nhiều biện pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước để góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh.

Tích trữ nước ngọt bài bản hơn

Là địa phương có đường bờ biển dài và hệ thống sông rạch chằng chịt, trong khi các công trình đê bao, cống đập chưa hoàn chỉnh, chưa khép kín, tình trạng xâm nhập mặn trở thành vấn đề cấp bách yêu cầu tỉnh Bến Tre tập trung giải quyết sớm, bởi hạn mặn thời gian qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.

6-7-3-.jpg

Thực tế, đợt gần nhất là vào mùa khô năm 2020, nước mặn xâm nhập hầu khắp địa bàn Bến Tre, tác động đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều người dân ở Bến Tre cho biết, mỗi năm, cứ đến mùa khô, các nơi trên địa bàn tỉnh thường xuyên phải chịu cảnh khô hạn, thiếu nguồn nước ngọt cho tiêu dùng, sản xuất.

Chị Trương Thị Phượng (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) nhớ lại, những năm vừa qua, nước mặn xâm nhập sâu, nguồn nước ngọt trở nên khan hiếm, có thời điểm, các phương tiện đổi nước chạy liên tục mà vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu cung ứng nước ngọt của người dân. Do đó, vừa rồi, chị Phượng đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để xây hồ chứa nước mưa bằng bê tông dùng cho sinh hoạt của gia đình.

Còn gia đình anh Huỳnh Nhất Phi (huyện Chợ Lách) đã tích cực đào ao, dùng bạt công nghiệp trải dưới đáy ao để chứa nước ngọt. Theo anh Phi, gia đình anh đang sản xuất hơn 2ha cây giống và dự trữ được hơn 1.000m3 nước ngọt, nếu hạn mặn mùa khô có kéo dài cũng đảm bảo đủ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt gia đình.

Nhiều hộ dân ở Bến Tre cũng đã chủ động trang bị lu hồ, mua bạt trữ nước, túi nước cỡ lớn để chứa nước ngọt. Một số hộ dân tu sửa, ngăn kênh ao, tạo thành các hồ tạm tích trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Người dân đã có những cách làm bài bản, khoa học hơn trong việc trữ nước mưa, nước ngọt, điều này đã góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống hạn mặn tại địa phương.

Hướng tới khép kín vòng ngăn mặn, trữ ngọt

Theo ngành chức năng Bến Tre, được sự quan tâm hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương, ODA, nhiều dự án, công trình thủy lợi trọng điểm đã được triển khai nhằm chủ động ngăn mặn, trữ ngọt. Tuy vậy, hiện nay, hệ thống thủy lợi và các công trình đê bao tại Bến Tre vẫn chưa khép kín nên vào mùa khô, nước mặn thường xâm nhập sâu vào nội đồng, ảnh hưởng lớn trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.

6-7-2-.jpg

Chuẩn bị bước sang mùa khô năm 2022 - 2023, các địa phương vùng ĐBSCL tập trung nạo vét kênh rạch trữ nước ứng phó với xâm nhập mặn

Ông Đoàn Văn Đảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, để phòng chống hạn mặn, ngành nông nghiệp đã khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp ứng phó, nhất là đầu tư xây dựng các công trình sau khi đưa vào sử dụng đều phát huy tác dụng như ngăn mặn, trữ nước, đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân; kịp thời tham mưu chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện biện pháp phòng tránh, ứng phó phù hợp với tình hình thực tế; bố trí lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng, từng địa phương và chống chịu được với tình hình hạn mặn diễn biến ngày càng gay gắt.

Ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho hay: Ngày 29/01/2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình 10-CTr/TU về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước; nguồn cấp nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2030. Theo đó, tỉnh Bến Tre hiện đang tập trung triển khai một số công trình, dự án trọng điểm về thủy lợi như: Dự án hệ thống thủy lợi Nam - Bắc Bến Tre; Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre; dẫn nước ngọt thô từ thượng nguồn về tỉnh qua Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng...

Đồng thời, lập hành lang bảo vệ nguồn nước; lập dự án và xây dựng các hồ chứa nước ngọt, dự án trữ nước ngọt bảo đảm an ninh nguồn nước trên sông Ba Lai, Kênh Lấp, Lạc Địa; xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện vùng biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú... Tỉnh Bến Tre phấn đấu đến năm 2024 sẽ hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo khép kín vòng ngăn mặn, trữ ngọt nhằm ổn định đời sống người dân, phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.

Bạch Thanh