Đánh thức tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La
Kinh tế - Ngày đăng : 15:02, 08/11/2022
Những năm 2006 đến 2010, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc về việc xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Sơn La - nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất Đông Nam Á, Quỳnh Nhai là 1 trong 3 huyện của tỉnh Sơn La thực hiện cuộc đại di dân ra khỏi vùng hồ thủy điện.
Huyện đã xây dựng 11 khu tái định cư với 78 điểm tái định cư tập trung nông thôn và xen ghép, 12 điểm tái định cư đô thị cho các hộ tái định cư. Năm 2009, chuyển khu trung tâm huyện lỵ từ xã Mường Chiên đến Phiêng Lanh xã Mường Giàng, cách huyện lỵ cũ khoảng 30km về phía hạ lưu sông Đà, di chuyển 9 xã, 99 bản với hơn 8.400 hộ dân, gần 40.000 nhân khẩu đến nơi ở mới. Thời điểm đó, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn do thiếu đất sản xuất, việc chuyển đổi các mô hình sản xuất còn nhiều bỡ ngỡ…
Hành trình thoát nghèo
Với đặc thù trên 94% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, 7 dân tộc anh em cùng chung sống, sau khi hoàn thành công cuộc di dân tái định cư, làm thế nào để ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho đồng bào là bài toán đầy nan giải với chính quyền và nhân dân nơi đây.
Nhờ các giải pháp thiết thực, hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã giảm nhanh qua các năm, từ 48% năm 2010 xuống còn 14,66% năm 2020. Quỳnh Nhai phấn đấu đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 49 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%; 11/11 xã đạt tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo và hình thức tổ chức sản xuất, đưa Quỳnh Nhai đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Trước thực tế đó, huyện Quỳnh Nhai đã tập trung nghiên cứu tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn để định hướng sản xuất cho phù hợp; Và vùng lòng hồ rộng lớn với nguồn lợi thủy sản tự nhiên là một hướng đi được lựa chọn. Quỳnh Nhai đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, khuyến khích thành lập các Hợp tác xã (HTX) thủy sản. Năm 2010, thực hiện nuôi thí điểm 20 lồng cá trên lòng hồ thủy điện tại các xã Chiềng Bằng, Chiềng Ơn theo nguồn vốn từ Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.
Chiềng Bằng là một trong các xã khởi sắc nhờ nghề nuôi trồng thủy sản. Với hơn 2.000ha diện tích mặt nước trên địa bàn xã, Chiềng Bằng đã chuyển đổi từ sản xuất độc canh trên đất dốc sang nuôi cá lồng. Toàn xã có 3.700 lồng cá, sản lượng nuôi và khai thác đạt khoảng 350 tấn cá các loại/năm. Cuối năm 2016, Chiềng Bằng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang dồn các nguồn lực xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn 1,41%.
Chúng tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi cá lồng của ông Lò Văn Khặn, một trong những hộ tiên phong của Chiềng Bằng đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng. Nhận thấy mô hình cho thu nhập tốt hơn cây ngô, cây sắn, từ 6 lồng cá ban đầu, ông Khặn đã phát triển hơn 100 lồng cá, cho thu nhập ổn định khoảng 800 triệu đồng/năm. Không chỉ thế, ông Khặn còn vận động, tập hợp 18 hộ dân trong bản thành lập HTX thủy sản Chiềng Bằng. Hiện, HTX có 46 thành viên, hơn 960 lồng cá, tạo thu nhập ổn định hằng tháng cho các thành viên.
Dời Chiềng Bằng, di chuyển dọc vùng lòng hồ đến cầu Pá Uôn, trải dài trên mặt hồ trong xanh là hàng loạt lồng bè nuôi cá của người dân. Bến thuyền Pá Uôn nhộn nhịp thuyền đánh cá về bến và thương lái đến thu mua. Qua bến cầu, rẽ sóng về thượng nguồn sông Đà, chúng tôi ghé thăm khu nuôi cá lồng của anh Phí Thanh Vân.
Vốn là người dân xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, dịp tình cờ vào Quỳnh Nhai, thấy mặt hồ bao la hàng nghìn hecta, anh Vân đã ấp ủ ước mơ làm giàu từ nghề cá. Những năm 2012, do cây ngập dưới lòng hồ phân hủy gây ô nhiễm, cá chết gần hết.
Anh Vân tâm sự: “Dù bị thiệt hại nặng nhưng mơ ước cháy bỏng về nghề nuôi cá lồng vẫn không tắt trong tôi. Sau khi trả hết nợ, từ số vốn ít ỏi 10 triệu đồng, ban đầu, tôi chỉ làm 2 lồng cá bằng gỗ để nuôi cá trắm đen, cá nheo. Sau này, tôi gia nhập HTX Hồ Quỳnh, xã Chiềng Ơn. Từ đó, được sự tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ huyện và HTX, cá nuôi theo quy trình VietGAP phát triển tốt, mỗi lứa xuất bán cho thu nhập hàng chục triệu đồng”.
Nuôi trồng bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Sau hơn 10 năm phát triển nuôi trồng thủy sản, đến nay, toàn huyện Quỳnh Nhai có 47 HTX thủy sản với hơn 6.700 lồng cá, các loại cá chủ yếu như cá lăng, cá trắm cỏ, trắm đen, chép, rô phi và cá nheo… Không chỉ ở Chiềng Bằng, Chiềng Ơn, đời sống của người dân các xã vùng dọc sông Đà như Cà Nàng, Mường Chiên, Mường Giàng, Pá Ma Pha Khinh… cũng có nhiều khởi sắc.
Để có đầu ra ổn định cho nghề nuôi cá lồng, Quỳnh Nhai đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm Cá sông Đà Sơn La, đưa sản phẩm ra các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Điện Biên, Lào Cai và các tỉnh lân cận. Toàn huyện hiện có 1 sản phẩm cá tép dầu đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 2 sản phẩm chế biến từ cá đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận sản phẩm OCOP năm 2022.
Ông Cầm Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Những năm qua, Quỳnh Nhai đã định hướng phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La thành ngành phát triển kinh tế mũi nhọn của người dân dọc sông Đà. Khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trên nương sang sản xuất dưới nước có hiệu quả kinh tế, giúp bà con giảm nghèo, tiến tới làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Để sản phẩm cá đạt chất lượng, huyện đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án đầu tư nuôi trồng, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá. Tổ chức tập huấn cho người dân về kỹ thuật nuôi cá, ươm cá giống, quản lý môi trường, phòng trị bệnh và chăm sóc cá nuôi đảm bảo chất lượng tốt. Tuyên truyền nâng cao công tác phòng bệnh hơn chữa bệnh, chú trọng vệ sinh lồng, ao nuôi. Tăng cường quản lý về giống thủy sản, chủ động dự báo rủi ro thiên tai, thời tiết để có biện pháp chỉ đạo kịp thời. Phát động các phong trào trong nhân dân về thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, hướng dẫn, yêu cầu các HTX và các hộ dân sống ven lòng hồ thực hiện nghiêm các quy định về khai thác đánh bắt thủy sản, nghiêm cấm việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc hại để đánh bắt thủy sản.
Giai đoạn tới, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quỳnh Nhai xác định: Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng biến đổi khí hậu, trọng tâm là phát triển thủy sản, cây ăn quả trên đất dốc, cây dược liệu dưới tán rừng gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Duy trì hơn 6.700 lồng nuôi hiện có, áp dụng khoa học kỹ thuật, quy trình VietGap vào sản xuất, gắn sản xuất với chế biến sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Tăng cường bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản, đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Phấn đấu đến năm 2025 sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản đạt 5.000 tấn.