Vùng sâu, vùng xa: Khó khăn đưa BHXH, BHYT đến với người dân
Xã hội - Ngày đăng : 16:38, 30/10/2022
Người dân thấy rõ lợi ích của chính sách thông qua tuyên truyền
BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình là chính sách ưu việt, đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, đối với bà con ở vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số (DTTS), việc tiếp cận vẫn còn những hạn chế nhất định.
Để giúp người dân hiểu, tin tưởng và tham gia vào chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, các đơn vị liên quan đã phối hợp chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Có trực tiếp chưng kiến mới cảm nhận rõ sự vất vả cũng như tâm huyết của người làm tuyên truyền lĩnh vực này, để đạt được những kết quả tích cực như hiện nay.
Còn nhớ, giữa nắng hè gay gắt ngày cuối tháng 5/2022, ở một vùng quê thuần nông tỉnh Quảng Bình, tại nhà văn hóa thôn Bưởi Rỏi, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch không khí nhộn nhịp hòa với tiếng cười nói của rất đông người dân trong thôn, xã. Nhiều người háo hức, vui mừng vì hôm nay họ được trao tận tay sổ BHXH. Trên bục sân khấu, Phó Giám đốc BHXH huyện Quảng Trạch Bùi Minh Hải nhiệt tình giải thích ý nghĩa, quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH, BHYT.
Chị Nguyễn Thị Thúy (47 tuổi), thôn Bưởi Rỏi bày tỏ, gia đình chị có 5 người với nghề chính làm nông nghiệp. Khi cán bộ cơ quan BHXH huyện tuyên truyền về lợi ích của BHXH tự nguyện, bản thân chị Thúy đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện, các thành viên còn lại trong gia đình tham gia BHYT. “Tôi thấy chính sách BHXH tự nguyện có lợi ích rất thiết thực đó là khi về già có lương hưu và thẻ BHYT có mức hưởng cao”, chị Thúy chia sẻ.
Tương tự như gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, chị Phạm Thị Lan, thôn Bưởi Rỏi (49 tuổi) rất phấn khởi khi đã tham gia mua BHYT cho hai mẹ con chị.
“Tuy nhận thức rõ vai trò của BHXH tự nguyện và BHYT, nhưng với thu nhập của gia đình 5 người làm nghề thuần nông thì để tham gia được cũng là gắng sức của gia đình. Trước mắt gia đình tôi tham gia BHYT cho 2 thành viên. Những thành viên còn lại sẽ tham gia vào thời điểm phù hợp khi có kinh tế tốt hơn”, chị Phạm Thị Lan chia sẻ và hiểu rằng, với mức đóng BHXH tự nguyện phù hợp với thu nhập của gia đình chị, nên đây là chính sách thiết thực với người nông dân. Mỗi ngày chỉ cần tiết kiệm vài nghìn đồng là có thể tham gia, chuẩn bị cho mình một chỗ dựa ổn định khi về già.
“Bám làng, bám bản” để phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
Hay như ở tỉnh miền núi, dân tộc như Tuyên Quang, muốn phát triển người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình thì không cách nào khác phải tích cực “bám làng, bám bản”.
Nói về những thách thức trong việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh, bà Hà Thị Nhung, Phó Giám đốc Phụ trách BHXH tỉnh Tuyên Quang cho biết công tác này hiện gặp nhiều khó khăn do người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, thu nhập bấp bênh.
Theo Nghị định số 07 ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, có hiệu lực từ 01/01/2022, tiêu chí thu nhập đối với khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng/người/tháng lên 1.500.000 đồng/người/tháng. Điều này đồng nghĩa với tiền đóng BHXH tự nguyện của người đang tham gia tăng từ 154.000 đồng/tháng lên 330.000 (chưa trừ phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ). Trong đó, Nhà nước chỉ hỗ trợ từ 10 - 30% mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tùy từng đối tượng. Mức hỗ trợ này chưa thực sự hấp dẫn đối với người tham gia BHXH tự nguyện…
Do vậy, tính đến cuối tháng 7/2022, tỉnh Tuyên Quang phát triển BHXH tự nguyện mới được 17.214 người, đạt 80,8% kế hoạch UBND tỉnh giao.
Kết quả phát triển BHYT hộ gia đình khả quan hơn. Tính đến hết tháng 7/2022, tỷ lệ bao phủ đạt 91,6% dân số của tỉnh. Trong đó, BHYT hộ gia đình được 116.432 người, so với cùng kỳ năm trước tăng 9.512 người.
Đây là nỗ lực lớn của BHXH tỉnh Tuyên Quang bởi theo Quyết định số 861ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi và Quyết định số 612 ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã có 114.264 người bị giảm thẻ BHYT.
Nguyên nhân là do các những người bị giảm thẻ BHYT sinh sống tại những địa bàn không còn thuộc diện xã, thôn đặc biệt khó khăn nữa. Vì vậy, họ không còn được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT mà phải tự mua. Qua công tác tuyên truyền, vận động, đã có 88.734 người tham gia BHYT trở lại, chiếm 77,65% số người bị giảm thẻ.
Tại tỉnh Tuyên Quang, đời sống của đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn, với trên 41% là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì thế, tuyên truyền vận động để bà con hiểu, chủ động trích một phần thu nhập tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi về già, hay tham gia BHYT hộ gia đình luôn là thách thức với cơ quan BHXH. Trong bối cảnh đó, “muốn phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình không cách nào khác phải tích cực bám làng, bám bản”, bà Hà Thị Nhung cho biết.
Hay đơn cử như xã Phú Nghĩa (tỉnh Bình Phước) là xã có hơn 30% số hộ đồng bào S’tiêng sinh sống, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên vẫn còn khó khăn. Phần lớn người dân chưa hiểu rõ, nắm chắc những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Để đưa các chính sách bảo hiểm đến gần với người dân, ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” đẩy mạnh tuyên truyền, vận động.
Tuy vậy, không phải đối tượng nào cũng dễ vận động tham gia, nhất là người DTTS. Những năm trước, Phú Nghĩa thuộc xã khó khăn nên người DTTS ở địa phương được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/7/2021, gần 2 ngàn người DTTS không còn được Nhà nước hỗ trợ chính sách này nữa, dẫn đến tỷ lệ bao phủ BHYT giảm.
Để tỷ lệ này tăng trở lại thực sự là bài toán khó, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Phó chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Điểu Hùng thừa nhận việc tuyên truyền, vận động để người dân tham gia BHYT rất khó, nhất là với người DTTS, do trình độ nhận thức hạn chế, chưa am hiểu nhiều về chế độ, chính sách BHYT, BHXH. “Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên cuối năm 2021 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt trên 92%”, ông Điểu Hùng nói.
Với mục tiêu tiếp tục khai thác mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, thời gian tới, BHXH các địa phương cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc mở rộng mạng lưới đại lý thu, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng tiếp cận dịch vụ thu, chi trả, tạo điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách về BHXH tự nguyện.
Cùng với đó, tích cực đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng tiếp cận trực tiếp với người dân, giúp người dân nắm bắt đầy đủ các chủ trương, chính sách, quy định về BHXH tự nguyện để từ đó tự nguyện tham gia.