Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng
Trong nước - Ngày đăng : 19:45, 05/11/2022
Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Hầu hết ý kiến thống nhất nội dung các báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực của đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm.
KTXH 10 tháng tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Cập nhật tình hình KTXH 10 tháng 2022, Thủ tướng cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự nỗ lực của Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình KTXH nước ta 10 tháng tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản đạt 45 tỷ USD và xuất khẩu gạo trên 6 triệu tấn. Sản xuất công nghiệp tăng 9%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,2%. Trên 178 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 58,3% so với cùng kỳ.
“Thời gian tới, Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đề ra; khắc phục những hạn chế, yếu kém; phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu năm 2022 và tạo đà cho thực hiện kế hoạch năm 2023.” – Thủ tướng thể hiện quyết tâm.
Quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm để minh bạch nền kinh tế
Về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, qua những báo cáo và phát biểu của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh biên độ tỷ giá và nâng lãi suất điều hành ở mức độ hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, thời gian tới, phải tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động, ngược lại phải luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả.
Đồng thời, kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột (điều hành giật cục).
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị cần tập trung nghiên cứu, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất; giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế và sát thực tiễn. Bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
“Chúng ta không thể không quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực; làm như vậy không những để phát triển lành mạnh, bền vững các loại thị trường, minh bạch nền hành chính, nền kinh tế; mà còn để bảo vệ các nhà đầu tư, các định chế tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp chân chính hoạt động an toàn, bền vững.” – Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Bên cạnh đó, về cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và quyết tâm xử lý các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch cơ cấu lại, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý rủi ro, nâng cao năng lực tài chính, quản trị của các TCTD yếu kém và các doanh nghiệp, dự án thua lỗ kéo dài. Từ các bài học kinh nghiệm vừa qua, cùng với sự ủng hộ của các cấp có thẩm quyền, của Quốc hội và Nhân dân; Chính phủ sẽ quyết tâm xử lý hiệu quả vấn đề này.
Công khai, minh bạch và trách nhiệm của các doanh nghiệp, đối tác tham gia thị trường chứng khoán
Về các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từng bước hoàn thiện khung khổ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy các thị trường này phát triển. Đến nay, thị trường vốn đã cơ bản phát triển đầy đủ với các cấu phần thị trường cổ phiếu, trái phiếu và chứng khoán phái sinh. Quy mô các thị trường này và thị trường bất động sản tăng mạnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây các thị trường này tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro. Thủ tướng Phạm Minh Chí chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp tăng cao trong khi tiếp cận vốn tín dụng được kiểm soát chặt chẽ; đa số các nhà đầu tư là nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng hạn chế; một số ít doanh nghiệp vi phạm quy định trong phát hành trái phiếu. Thị trường bất động sản có cơ cấu chưa hợp lý, mặt bằng giá tăng cao và thanh khoản gặp khó khăn...
Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém; đồng thời có giải pháp phù hợp, hiệu quả bảo đảm các thị trường này hoạt động minh bạch, lành mạnh, bền vững theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, trước hết là đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và sửa một số nghị định, thông tư liên quan. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tính tuân thủ của các doanh nghiệp, đối tác tham gia thị trường. Rà soát, có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đầu tư, cung cấp dịch vụ. Kiểm soát tốt hơn hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người yếu thế với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp
Về công tác điều hành giá và bảo đảm nguồn cung xăng dầu, trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã chủ động kịp thời giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo thẩm quyền và đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 02 lần đối với xăng dầu để giảm giá, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Chủ động chỉ đạo quyết liệt sản xuất của 02 nhà máy lọc hóa dầu trong nước đang vận hành ở công suất tối đa (đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu).
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng; trong khi đó các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.
Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống. Khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường phòng chống buôn lậu, đầu cơ xăng dầu và công tác giám sát, kiểm tra, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu, thực hiện nâng tổng mức dự trữ quốc gia và tăng cường năng lực sản xuất trong nước.
Phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Về giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng khẳng định, đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thực hiện. Đến nay đã cơ bản hoàn thành ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các Chương trình này.
Tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các Chương trình này chưa đạt yêu cầu và mong muốn của cử tri. Số vốn kế hoạch của năm 2022 còn lại phải giải ngân là khá lớn, khoảng 282 nghìn tỷ đồng, trong đó các bộ, cơ quan trung ương chiếm 30,5%; các địa phương chiếm 69,5%. Vẫn còn 8,3% tổng số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH chưa phân bổ; việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% còn rất chậm, gặp nhiều khó khăn. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa hoàn thành ở một số địa phương.
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt khắc phục những yếu kém đã chỉ ra và rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; thực hiện các cơ chế đặc thù; kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương; rà soát, điều chuyển vốn; không để dàn trải, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch.
Chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực Y tế
Đối với lĩnh vực y tế, Thủ tướng cho biết, đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác vẫn diễn biến phức tạp; bên cạnh đó tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh chậm được khắc phục làm ảnh hưởng đến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.
Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh, giá thuốc trên thị trường thế giới biến động mạnh, số lượng bệnh nhân tăng cao; nhưng nguyên nhân chủ quan là quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm còn vướng mắc; còn tâm lý sợ trách nhiệm; một số cán bộ chưa phù hợp chuyên môn; phân bổ cơ cấu thuốc đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương chưa hợp lý (theo báo cáo của Bộ Y tế, ở Trung ương chiếm 16,5%, ở địa phương và các cơ sở y tế chiếm 83,5%).
Để sớm khắc phục tình trạng trên, “Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp khẩn trương rà soát, tham mưu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan; đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ người đứng đầu và cán bộ liên quan; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; bảo đảm đấu thầu công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực.” – Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trước Quốc hội.
Đối với nhiệm vụ về tình hình xây dựng, thực hiện dự toán thu NSNN năm 2022 và năm 2023 và tăng năng suất lao động, Thủ tướng cho biết, năm 2023, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức, trong khi cần tiếp tục giãn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp; vì vậy việc xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2023 cần thận trọng, chắc chắn, khả thi để bảo đảm kiểm soát bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ trong ngưỡng an toàn. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng thu NSNN, kiên quyết giảm các khoản chi không cần thiết để có thêm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng cấp bách, ưu tiên cho cải cách tiền lương, đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về giải pháp tăng năng suất lao động nhanh và bền vững, Thủ tướng đưa ra các giải pháp chung, đó là: đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; có cơ chế, chính sách phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và dạy nghề gắn với đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy mạnh mẽ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là ngành nông nghiệp; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ bền vững, hiệu quả; thúc đẩy liên kết giữa cơ quan, doanh nghiệp với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh các phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo và có cơ chế tiền lương phù hợp để khuyến khích tăng năng suất lao động…
Kết thúc phiên Chất vấn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã quan tâm và thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, yếu kém, vướng mắc còn tồn tại và khó khăn, thách thức phải vượt qua. Đồng thời, Chính phủ sẽ lắng nghe và nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng, phù hợp, khả thi của các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước. Trong đó, có nhiều vấn đề đã và đang được triển khai thực hiện, xử lý từng bước có hiệu quả; nhưng cũng có những vấn đề cần phải tiếp tục tập trung nghiên cứu, giải quyết, khắc phục cả trước mắt và lâu dài.