Mỗi ngày có 608 cuộc thanh tra, kiểm tra

Trong nước - Ngày đăng : 19:41, 05/11/2022

(TN&MT) - Đây là con số do đại biểu Quốc hội đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến đưa ra tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ.

Tranh luận với Tổng Thanh tra Chính Phủ Đoàn Hồng Phong, Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, mặc dù thời gian qua, Tổng Thanh tra Chính phủ đã nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, chất lượng một số cuộc thanh tra chưa đảm bảo yêu cầu, chậm, chồng chéo giữa kiểm toán, kiểm tra.

051120221126-nguyen-thi-yen-ba-ria-vung-tau.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tranh luận

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng hiện nay số lượng tổ chức thanh tra, kiểm tra quá nhiều, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn ngành thanh tra đã tổ chức thanh tra 6.301 cuộc thanh tra hành chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. 9 tháng nhân 30 ngày cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật là 270 ngày, như vậy bình quân mỗi ngày có 608 cuộc thanh tra, kiểm tra. Vấn đề này khiến các địa phương, cơ quan rất bức xúc vì làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết luận của ngành thanh tra. Do đó, đại biểu Thanh đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ phải quan tâm, có giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra cũng như thực hiện tốt Nghị định 45, đối với kết luận thanh tra phải đảm bảo được thời gian và yêu cầu đã đề ra.

Trao đổi về ý kiến của đại biểu Yến, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong việc xử lý chồng chéo về thanh tra, kiểm toán, hiện nay có rất nhiều đoàn thanh tra, ngoài cơ quan thanh tra, kiểm toán còn có kiểm tra, điều tra, truy tố, thanh tra các bộ, ngành, thanh tra địa phương nên mới có tình trạng nêu trên.

Thực tế, Thanh tra Chính phủ một năm chỉ thực hiện 15 đến 16 cuộc thanh tra, con số này không phải là nhiều. Số còn lại là các cuộc thanh tra bộ, ngành xuống các địa phương và thanh tra địa phương.

051120221000-tong-thanh-tra-4.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trong phiên Chất vấn Quốc hội

“Tiếp thu ý kiến của đại biểu, tới đây chúng tôi sẽ thực hiện việc định hướng thanh tra. Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Kiểm toán nhà nước trên tinh thần là phải có biện pháp cụ thể và tính toán để làm sao xử lý triệt để về kế hoạch, đặc biệt là vấn đề phối hợp các bộ, ngành và địa phương” – Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.

Cũng liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho biết, trong tổng số hơn 2,3 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra mà các cơ quan nhà nước tiến hành từ năm 2011 đến nay thì thanh tra chiếm 10% còn 90% là kiểm tra. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra có báo cáo tách bạch giữa thanh tra, kiểm tra và hoàn thiện Luật Thanh tra nhưng chưa đưa kiểm tra vào. Đồng thời, đề nghị nội dung kiểm tra này sẽ dùng văn bản nào để điều chỉnh hoạt động kiểm tra.

051120220844-chuan555555555.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong thời gian vừa qua, khi báo cáo số cuộc thanh tra, kiểm tra lại gộp cả thanh tra và kiểm tra vào, nhưng thực chất số thanh tra chỉ khoảng 10%, chủ yếu là kiểm tra. Theo dự thảo luật đã có một điều khoản nói rõ về quy trình, trình tự, thủ tục và được quy định riêng cho 2 hoạt động thanh tra, đó là hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành rất cụ thể.

Còn riêng về quy trình kiểm tra, đúng như Phó Chủ tịch Trần Quang Phương đã nói, đây là một hoạt động thường xuyên theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và nó rất lớn, thủ tục đơn giản hơn, không theo trình tự, thủ tục của thanh tra. Thông thường, theo đặc thù của từng lĩnh vực, từng ngành, nó có hướng dẫn theo trình tự, thủ tục của kiểm tra, nó không nằm trong Luật Thanh tra.

Tới đây khi Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì chắc chắn rằng hoạt động thanh tra với kiểm toán sẽ có cơ hội để giải quyết sự chồng chéo tốt hơn – Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định.

Khương Trung