Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với Đại sứ Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam trước thềm Hội nghị COP27

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 19:25, 04/11/2022

(TN&MT) - Chiều 4/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã có buổi tiếp và làm việc với ngài Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam trước thềm Hội nghị COP27. Cùng dự buổi tiếp có Đại sứ của một số nước thuộc Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.

Vui mừng chào đón Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và các Đại sứ đến làm việc với Bộ TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là thời điểm quan trọng khi tất cả mọi người đang hướng tới Hội nghị COP27 với những kỳ vọng về việc tiếp tục có những thống nhất trong đàm phán về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời, cũng cập nhật những thông tin mới về nỗ lực của các quốc gia. Đặc biệt, Bộ trưởng vui mừng nhận thấy hôm nay có nhiều Đại sứ tham dự cuộc họp này, điều đó cho thấy, sự quan tâm của các Đại sứ về vấn đề ứng phó với BĐKH ở Việt Nam và trên toàn cầu.

_mg_1687.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ tại buổi tiếp với Đại sứ Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Đoàn công tác của Việt Nam do Bộ trưởng làm Trưởng đoàn, tối nay (4/11), sẽ lên đường sang Ai Cập tham dự Hội nghị COP 27. Tham dự Hội nghị lần này, Việt Nam mang theo tinh thần đoàn kết, thống nhất để giải quyết những thách thức do BĐKH gây ra thông qua hành động thực tiễn để thực hiện các cam kết và nội dung của COP26.

Chia sẻ với Ngài Giorgio Aliberti cùng các Đại sứ về những nỗ lực thực hiện cam kết quốc tế về ứng phó với BĐKH cũng như việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, quá trình rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam đã hoàn thành, đảm bảo việc đóng góp về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH của Việt Nam phù hợp với Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Nội dung NDC năm 2022 bám sát các nội dung trong bản NDC cập nhật năm 2020, bổ sung thêm các hành động để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; tính toán cụ thể các cam kết của Việt Nam đến 2030 trên cơ sở các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, đưa ra các định hướng chiến lược để Việt Nam thực hiện thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2050, bao gồm định hướng thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị COP26.

Để thực hiện được các định hướng Chiến lược này, Việt Nam kêu gọi sự tham gia liên tục, lâu dài của toàn hệ thống chính trị, mọi tổ chức và người dân cùng với hỗ trợ nguồn lực tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển cho Việt Nam.

“Việt Nam là nước mới bắt đầu phát triển trong vài thập kỷ gần đây. Thu nhập của Việt Nam còn rất thấp so với các nước trên thế giới. Việc thực hiện đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 là nỗ lực rất lớn của Việt Nam và thực hiện tương đương với mức độ thực hiện của nhiều nước phát triển. Để thực hiện nỗ lực này, Việt Nam rất cần được hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực từ các nước phát triển và cộng đồng quốc tế. Mặt khác, giảm phát thải khí nhà kính là nỗ lực toàn cầu, Việt Nam không thể làm một mình khi các nước khác không thực hiện hoặc thực hiện không đủ” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

_mg_1709rs.jpg
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti phát biểu tại buổi tiếp 

Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti bày tỏ ấn tượng trước nỗ lực và quyết tâm thực hiện các cam kết, mục tiêu về khí hậu, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, đồng thời, khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Liên minh châu Âu với Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, thực chất, phù hợp với mong muốn và lợi ích của cả các bên.

Thông tin với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Đại sứ Giorgio Aliberti cho biết, EU gồm 27 nước thành viên với tổng lượng khí phát thải đứng thứ 3 trên Thế giới đang tích cực nỗ lực huy động các quốc gia phát thải chính đề ra những mục tiêu tham vọng hơn trong các hành động khí hậu. Tại Hội nghị COP27 lần này, các nước EU tiếp tục cam kết theo đuổi mục tiêu đầy tham vọng khi tới năm 2050 sẽ cân bằng khí thải, trong đó, sẽ chú trọng đầu tư để chuyển đổi các mô hình năng lượng sạch. Theo đó, mục tiêu hiện tại của EU là giảm 55% mức phát thải ròng vào năm 2030, so với mức phát thải năm 1990 và các nước EU cam kết sẽ nâng mục tiêu sớm nhất có thể. Hơn nữa, EU đã nhất trí ủng hộ đưa vấn đề tổn thất và thiệt hại vào Chương trình Nghị sự của COP27, thảo luận về các biện pháp bồi thường liên quan những thiệt hại vì lũ lụt, nước biển dâng và những tác động khác do BĐKH khí hậu gây ra với các nước nghèo nhất trên thế giới.

_mg_1696rs.jpg
Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc chiều 4/11

Tại cuộc họp, Đại sứ Liên minh EU tại Việt Nam và Đại sứ các nước mong muốn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ về những nỗ lực thực hiện cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đặc biệt là quan điểm của Việt Nam tại Hội nghị COP 27.

Trao đổi với Ngài Giorgio Aliberti cùng các Đại sứ, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế. Vì vậy, Việt Nam luôn cố gắng, nỗ lực, ưu tiên thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và cùng cộng đồng quốc tế giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp.

Bên cạnh đó là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Cùng với đó là quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam coi thích ứng với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân để tồn tại, phát triển, từ đó, có thể có đóng góp nhiều hơn cho nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Đặc biệt, Việt Nam sẽ triển khai các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.

Đối với quan điểm về nguồn lực cho biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Việt Nam kêu gọi các quốc gia hoàn thành việc xây dựng mục tiêu thích ứng toàn cầu và đảm bảo nguồn lực cho thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu, xử lý các vấn đề tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Bộ trưởng cảm ơn và đề nghị EU tiếp tục đồng hành cùng Bộ TN&MT xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi năng lượng, ưu tiên các ngành công nghệ cao, phát thải cácbon thấp; công nghệ thân thiện môi trường; sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên; phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái góp phần thúc đẩy việc thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị COP27 sẽ được tổ chức tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập, dự kiến từ ngày 6 – 18/11/2022. Bên cạnh các hoạt động theo quy định của Công ước, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris, nước chủ nhà Ai Cập đưa ra các hoạt động theo chủ đề nhằm thúc đẩy hợp tác và tạo đồng thuận đối với các vấn đề khó khăn trong đàm phán. Theo đó, 10 chủ đề sẽ được tổ chức gồm: Ngày về tài chính; Ngày về thích ứng và nông nghiệp; Ngày về nước; Ngày về khử carbon; Ngày về khoa học; Ngày về giải pháp; Ngày về giới; Ngày về năng lượng; Ngày về đa dạng sinh học; Ngày về thanh niên và các tổ chức xã hội khác. Các cuộc đàm phán tại Sharm El-Sheikh đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo mục tiêu 1,5°C.

Thủy Nguyễn