Mai Sơn – Sơn La: Quản lý tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường
Khoáng sản - Ngày đăng : 20:18, 03/11/2022
Ông Phạm Duy Hùng, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Từ đầu năm đến nay, Phòng TN&MT đã tham mưu cho UBND huyện ban hành 7 văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn trong quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Tổ chức ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2022.
Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện do Công an huyện là cơ quan thường trực; 17 tổ công tác liên ngành tại các xã, thị trấn do Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng để kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã, thị trấn.
Chỉ đạo Đoàn liên ngành của huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát, chú trọng một số địa bàn trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép và các hoạt động nghi nhằm khai thác khoáng sản trái phép tại các xã Chiềng Ve, Chiềng Lương, Chiềng Chung, Chiềng Mai, Chiềng Chăn, Tà Hộc… Qua đó, đã kịp thời kiểm tra, xử lý 9 trường hợp vi phạm về hành vi hủy hoại đất nghi đào múc nhằm khai thác khoáng sản trái phép, tháo dỡ 2 lán tạm, lấp 1 cửa hang đất, tạm giữ 2 xe rùa, 1 máy cắt, 1 giàn máy nén khí; thu 1 mẫu đất chuyển Trung tâm Phân tích thí nghiệm địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam để phân tích xác định kim loại, khoáng sản có ích làm căn cứ xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, huyện Mai Sơn đã phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra thực địa đề án đóng cửa 2 điểm mỏ cát tại bản Tà Chan, xã Chiềng Chăn và khu 2 bản Hộc, xã Tà Hộc; khảo sát đánh giá tiềm năng mỏ phụ gia caolin tại bản Thạy, xã Chiềng Ban; bàn giao mốc khu vực thăm dò khoáng sản sét làm gạch ngói tại bản Bon, xã Mường Bon; kiểm tra thực địa khu vực thăm dò đá vôi làm VLXD thông thường tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi. Đề xuất các sở, ban ngành xem xét đưa mỏ đá làm VLXD thông thường tại bản Vuông Mè, xã Chiềng Ve và mỏ cát kết bản Lếch, xã Cò Nòi ra khỏi quy hoạch.
Tại các đơn vị đã được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản, UBND huyện đã thường xuyên giám sát việc thực hiện quy định về khoáng sản, môi trường. Về cơ bản, các đơn vị đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, khai thác đúng vị trí được cấp phép, chú trọng công tác bảo vệ môi trường.
Ông Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất VLXD Hùng An Mai, tiểu khu 10, thị trấn Hát Lót cho biết: Trong quá trình hoạt động, Công ty luôn đảm bảo tốt các quy định về khai thác khoáng sản, môi trường. Công tác bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Đơn vị đã đầu tư lắp đặt hệ thống phun sương tự động tại khu vực mỏ, duy trì hệ thống xe tưới rửa đường để giảm thiểu bụi mịn trong quá trình vận chuyển VLXD, tránh ảnh hưởng tới khu dân cư.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, huyện Mai Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường với các tổ chức, cá nhân. Nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, tham gia tích cực, cung cấp thông tin giúp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nắm tình hình về hoạt động khoáng sản tại địa bàn.
Chỉ đạo UBND cấp xã triển khai các giải pháp thực hiện quản lý Nhà nước về khoáng sản tại địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ; phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về khoáng sản, các nội dung cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Chỉ đạo Đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, nắm bắt địa bàn, tập trung một số địa bàn trọng điểm có dấu hiệu nghi khai thác trái phép để ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.