Nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng EPC

Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 00:00, 03/11/2022

(TN&MT) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức Hợp đồng EPC”.

Hội thảo nhằm làm rõ một số vấn đề về thực trạng quản lý, việc kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư công thực hiện theo hình thức Hợp đồng đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (hợp đồng EPC). Đồng thời, xác định nhiệm vụ và vai trò của KTNN trong việc kiểm toán các dự án thực hiện theo hình thức EPC, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia.

2(4).jpg
Quang cảnh Hội thảo

Việc quản lý các dự án đầu tư theo hợp đồng EPC còn bất cập

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, hiện nay việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC đã được thực hiện tại nhiều dự án, nhất là những dự án có yêu cầu về công nghệ cao. Đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng EPC đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho nhà thầu và chủ đầu tư, cho phép tận dụng được trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án, gói thầu.

Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC vẫn còn bất cập, cơ chế chính sách liên quan còn chưa cụ thể hoặc chồng chéo khiến việc thực hiện các hợp đồng EPC còn nhiều khó khăn. Các chủ đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều dự án còn chậm tiến độ, công nghệ lạc hậu nên các dự án đầu tư theo hình thức EPC chưa phát huy được các lợi ích vốn có của hình thức này.

Cụ thể, theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện theo mô hình EPC còn bất cập, thiếu các quy định về điều kiện để dự án đầu tư được thực hiện theo mô hình này. Nhiều nhà thầu trong nước còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý hợp đồng EPC, đặc biệt đối với các dự án mới, công nghệ cao. Nhiều dự án theo hình thức hợp đồng EPC không đảm bảo tiến độ, chi phí hợp đồng phát sinh tăng, không hoàn thành dự án, không thanh quyết toán được hợp đồng.

“Nhiều dự án EPC do tổng thầu nước ngoài thực hiện rơi vào tình trạng phụ thuộc công nghệ nước ngoài, không phát triển được sản xuất vật tư, hàng hóa trong nước; công tác giám sát, quản lý các dự án thực hiện theo hình thức EPC của nhà nước còn hạn chế”, bà Hà Thị Mỹ Dung cho biết.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức EPC. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án này.

Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC mang lại nhiều lợi ích, tạo điều kiện và sự đảm bảo để nhà thầu tăng thêm quyền chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thiết kế và xây dựng. Bên cạnh đó, chi phí thực hiện dự án, gói thầu của nhà thầu có thể giảm do tiết kiệm được một số khoản chi phí từ việc phối kết hợp các khâu công việc trong quá trình thực hiện, đặc biệt là chi phí trung gian.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có quy định pháp lý cụ thể về loại hợp đồng EPC mà mới chỉ có một số quy định chung trong Nghị định số 48/2010/CP-NĐ về quyền và nghĩa vụ của bên giao thầu, bên nhận thầu EPC; Nghị định số 209/2004/NĐ-CP và Nghị định số 99/2007/NĐ-CP về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng. Chính vì vậy, việc thực hiện hợp đồng EPC có thể đối mặt với tình trạng các điều khoản trong hợp đồng EPC được các bên hiểu và vận dụng khác nhau, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ và chất lượng công trình, đội vốn đầu tư... thậm chí phá vỡ hợp đồng. Đặc biệt đối với các trường hợp chọn nhà thầu EPC trong nước, các bên liên quan thường có cách hiểu, diễn giải khác nhau về nội dung hợp đồng, gây nên nhiều vướng mắc, tranh chấp trong quá trình thi công.

Nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hợp đồng EPC

Trong những năm qua, qua kiểm toán các dự án theo hình thức hợp đồng EPC, KTNN đã có nhiều phát hiện nổi bật về việc thực hiện hợp đồng EPC, như: Công tác khảo sát một số gói thầu còn chưa đầy đủ; hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công một số hạng mục chưa phù hợp; Phê duyệt kế hoạch đấu thầu, áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu thi công của một số gói thầu ngoài hợp đồng EPC chưa đúng thẩm quyền, trình tự theo quy định tại Luật đấu thầu...

8.jpg
KTNN đã có nhiều phát hiện nổi bật về việc thực hiện hợp đồng EPC. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Trần Minh, Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, qua kiểm toán, bên cạnh những kiến nghị xử lý tài chính, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng về cơ chế, chính sách liên quan đến thực hiện hợp đồng EPC. Trong đó, một số vấn đề và nội dung liên quan đến hợp đồng EPC cần được tiếp tục nghiên cứu, như: phạm vi áp dụng hợp đồng EPC; quy định về hồ sơ mời thầu EPC, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu EPC; quy định về các giai đoạn thiết kế, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế đối với dự án, công trình áp dụng hình thức hợp đồng EPC; hướng dẫn về kiểm soát chất lượng thi công xây dựng công trình; quyền và nghĩa vụ của các bên (chủ đầu tư, tổng thầu EPC, thầu phụ) đối với việc quản lý và thực hiện dự án.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS,TS. Thịnh Văn Vinh, Học viện Tài chính, nhấn mạnh, hợp đồng EPC được nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước sử dụng cho các dự án công nghiệp có tính chất chuyển giao công nghệ và cần phải được khuyến khích trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án, đòi hỏi cần phải tăng cường công tác quản lý, công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là vai trò của KTNN đối với việc kiểm toán các dự án theo hình thức EPC. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, KTNN cần tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực kiểm toán, thực hiện các giải pháp để đổi mới hoạt động kiểm toán, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên tham gia kiểm toán lĩnh vực này.

Để nâng cao hiệu quả kiểm toán đối với các dự án EPC, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V Lê Văn Duẩn cho rằng, KTNN cần quan tâm đánh giá sự phù hợp của dự án với Quy hoạch tổng thể được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng…), sự phù hợp với quy hoạch của địa phương nơi xây dựng công trình; Đánh giá tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ môi trường; Luật Phòng cháy, chữa cháy, và các quy định khác của Chính phủ về quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng…; Đánh giá tuân thủ trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án; Đánh giá sự đầy đủ và phù hợp của hồ sơ thiết kế cơ sở, việc lựa chọn công nghệ...

Thanh Tùng