Lạng Sơn ứng phó BĐKH: Nâng cấp hạ tầng để nâng khả năng thích ứng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:49, 03/11/2022

(TN&MT) - Để chủ động phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, từng bước nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Lạng Sơn đã ưu tiên đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị, hệ thống thủy lợi, đáp ứng công tác phòng chống thiên tai, ứng phó BĐKH và đảm bảo yêu cầu tưới, tiêu, phục vụ sản xuất, dân sinh.

Giải pháp công trình và phi công trình

Theo lãnh đạo Sở TN&MT Lạng Sơn, giai đoạn 2016 - 2021, Lạng Sơn đã tập trung nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các dự án đầu tư vào hoạt động thích ứng với BĐKH. Lồng ghép các nhiệm vụ ứng phó BĐKH vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch ngành như: Phát triển công nghiệp tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2030; đặc biệt là quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

7-1-.jpg

Giai đoạn 2021 - 2030, Lạng Sơn đã đề ra 21 dự án ưu tiên nhằm ứng phó BĐKH. Gồm: Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn và BĐKH; Điều tra, khảo sát, đánh giá chất lượng nước, khả năng chịu tải của lưu vực sông Kỳ Cùng đoạn chảy qua địa phận tỉnh trong điều kiện BĐKH và phát triển kinh tế xã hội; Kiểm kê khí nhà kính và đề xuất các giải pháp quản lý phát thải; Dự án di dân phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn huyện Chi Lăng; Dự án kè chống sạt lở bờ sông Kỳ Cùng…

Đặc biệt, tỉnh đã ưu tiên dồn các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH như tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, xây dựng công trình thoát lũ cho các xã vùng thấp trũng, kè bờ sông trên địa bàn thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định), thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng), thị trấn Lộc Bình (huyện Lộc Bình), một số đoạn qua TP. Lạng Sơn…

Một trong những công trình trọng điểm thích ứng BĐKH trên địa bàn tỉnh là dự án hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 1 được xây dựng trên sông Kỳ Cùng, tại địa phận huyện Lộc Bình, có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Vùng hưởng lợi từ công trình trải dài từ các huyện Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, TP. Lạng Sơn đến huyện Văn Lãng.

Dung tích hồ hơn 164 triệu m3 nước, có nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn và lũ sớm, giảm lũ chính vụ cho TP. Lạng Sơn và vùng phụ cận. Hồ cũng đảm đương cung cấp nước tưới cho hơn 2.000ha đất canh tác; tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho 122.000 người và cấp nước cho công nghiệp gần 35.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, công trình còn có chức năng điều tiết nước cho môi trường hạ du phục vụ nuôi trồng thủy sản và phát điện.

Cùng với dự án hồ Bản Lải, từ nguồn vốn Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8), Lạng Sơn đã được đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cao an toàn cho 10 hồ chứa tại các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Hữu Lũng, Tràng Định và TP. Lạng Sơn. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần giảm thiểu nguy cơ về rủi ro thiên tai, thích ứng BĐKH, đảm bảo cung cấp nước tưới ổn định cho gần 1.000ha đất canh tác.

Song song các giải pháp công trình, tỉnh cũng chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm năng lượng, ít phát thải khí nhà kính. Hình thức tuyên truyền đa dạng, thông qua các lớp tập huấn, các phương tiện truyền thông, phù hợp với từng đối tượng. Từ đó, nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng về tác động của BĐKH và trách nhiệm ứng phó với BĐKH có nhiều chuyển biến tích cực. Năng lực thích ứng với BĐKH của tỉnh được cải thiện nhiều so với trước đây.

Phân vùng rủi ro với từng loại thiên tai

Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xây dựng 4 kịch bản nồng độ khí nhà kính, trong đó, xác định kịch bản nồng độ khí nhà kính trung bình thấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo kịch bản này, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở các địa phương trong tỉnh tăng khoảng 2,2 - 2,5oC, lượng mưa năm tăng khoảng 22,4 - 26,2%. Dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai, thời tiết, khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.

7-2-.jpg

Tỉnh Lạng Sơn chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, bão lụt, hạn hán...

Để tiếp tục chủ động ứng phó BĐKH, giai đoạn tới, Lạng Sơn đã và đang đề ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Phân vùng rủi ro với từng loại thiên tai; Xây dựng phương án quản lý rủi ro thiên tai, phương án phòng chống lũ các tuyến sông có đê, phát triển hạ tầng phòng chống thiên tai.

Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH của tỉnh đến năm 2030, định hướng 2050. Huy động đóng góp của cộng đồng và toàn xã hội để đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống, thích ứng BĐKH. Rà soát, xây dựng công trình thoát lũ, chống úng ngập vùng trũng thấp, kè chống sạt lở bờ sông.

Cùng với đó, củng cố và tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý để triển khai các hoạt động ứng phó BĐKH. Xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm và dự báo mức độ phát thải khí nhà kính. Tăng cường quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết cực đoan. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến phục vụ giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh.

Với năng lực ứng phó BĐKH hiện tại kết hợp với những định hướng về phân vùng rủi ro thiên tai, rủi ro khí hậu, các chương trình, dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết yếu giai đoạn 2021 - 2030…, có thể dự báo, năng lực thích ứng với BĐKH của tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục được duy trì và nâng cao, hạn chế những tác động tiêu cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.

Hoàng Nghĩa