Đưa hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông trên một số địa bàn khu vực miền Bắc vào nền nếp - Điện Biên: Công khai, minh bạch từ khâu đấu giá

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:49, 03/11/2022

(TN&MT) - Những năm qua, hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Điện Biên diễn ra khá phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự, làm thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước. Trước thực trạng đó, tỉnh Điện Biên đã rà soát lại toàn bộ các điểm mỏ cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, lập quy trình đưa các điểm mỏ vào đấu giá, công khai minh bạch. Đây là một trong những giải pháp đang được áp dụng có hiệu quả ở Điện Biên.

Không để thất thoát tài nguyên cát

Một trong những giải pháp quản lý cát, sỏi lòng sông, suối hiện nay của tỉnh Điện Biên là tổ chức đấu giá khai thác toàn bộ các điểm mỏ cát nhằm minh bạch hóa hoạt động cấp phép, khai thác; tránh tình trạng, cơ chế “xin cho”, đồng thời, loại bớt những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không đủ năng lực.

8-2-.jpg

Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, Sở TN&MT Điện Biên cho biết: Trước đây, khi phát hiện có điểm mỏ, điểm mỏ nằm trong quy hoạch chưa được cấp phép, dựa trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phù hợp và những thông tin chứng thực năng lực là doanh nghiệp có thể xin cấp phép. Thực tế, quy trình đó đã bộc lộ không ít hạn chế về mặt khẳng định năng lực của các doanh nghiệp, tổ chức xin khai thác.

Cũng từ cơ chế này đã nảy sinh một số hiện tượng nhiều mỏ được cấp nhưng không khai thác được do thiếu năng lực của các chủ mỏ. Có trường hợp, doanh nghiệp xin cấp phép nhưng không thai thác mà thực hiện chuyển nhượng ngầm. Cơ chế này cũng khiến hoạt động khai thác cát, sỏi tại Điện Biên diễn ra ồ ạt nhưng ngân sách Nhà nước thu được không đáng kể.

Áp dụng hình thức đấu giá khai thác cát, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá được sàng lọc cẩn thận. Chỉ khi doanh nghiệp đủ điều kiện, đủ năng lực tài chính mới có thể tham gia đấu giá và những doanh nghiệp “tay không bắt giặc” sẽ bị hạn chế tham gia rất nhiều.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có khoảng 16 điểm mỏ cát. Trong năm 2022, tỉnh đã đấu giá 14 điểm mỏ, có 2 điểm mỏ có kết quả thăm dò, hiện các doanh nghiệp đang thực hiện thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng với các hộ dân.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu cát, sỏi phục vụ thi công xây dựng các công trình trên địa bàn, tỉnh Điện Biên thống nhất cho UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở nhu cầu vật liệu cần đáp ứng, tổ chức rà soát lại các điểm mỏ cát, sỏi có trong quy hoạch được phê duyệt; lựa chọn các điểm mỏ có quy mô diện tích đủ lớn, đảm bảo không ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông, công trình hạ tầng kỹ thuật và đất ở, đất sản xuất của dân để đưa vào đấu giá khai thác, vừa đảm bảo nguồn cát để phục vụ cho các dự án trọng điểm của tỉnh, vừa tránh thất thoát nguồn lực từ hoạt động khai thác cát.

Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý Nhà nước

Ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Sở TN&MT, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường thực hiện nhiều giải pháp quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản, trong đó có hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

8-1-.jpg

Chính quyền và lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong đấu tranh ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác cát, sỏi trái phép, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện rà soát tất cả các mỏ, điểm mỏ khoáng sản đã cấp phép, trong đó, tập trung rà soát các mỏ cát, sỏi về quy trình cấp phép, đánh giá, kiểm soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về khoáng sản để làm cơ sở cho việc tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm. Đồng thời, yêu cầu đơn vị chuyên môn nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản để bảo đảm hài hòa giữa khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường; tăng cường chất lượng công tác đánh giá trữ lượng và cấp phép khai thác khoáng sản, cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông có thời hạn, hạn chế tối đa thất thoát tài nguyên.

Tuy nhiên, những năm qua, do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu cát để phục vụ thi công hạ tầng cơ sở ở nhiều địa phương tăng lên, công tác quản lý và kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ dẫn đến khai thác quá mức; đặc biệt, tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra trên địa bàn một số huyện. Việc khai thác cát, sỏi không được kiểm soát chặt chẽ, khai thác trái phép và kinh doanh cát trái phép đã gây ra nhiều hệ lụy, làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, làm mất đất nông nghiệp… tác động xấu đến môi trường và an ninh trật tự tại địa phương.

8-3-.jpg

Điểm khai thác cát xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên

Trước tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung các lực lượng chức năng kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, kinh doanh cát, sỏi. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh vận chuyển cát, sỏi trái phép trên địa bàn; thường xuyên giám sát các khu vực khoáng sản có nguy cơ xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Bài và ảnh: Trần Hương