Khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:48, 03/11/2022

(TN&MT) - Thực hiện nhiệm vụ “Khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia”, theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đến thời điểm cuối tháng 10/2022, có 75 khu vực đối với 9 loại khoáng sản được khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Tổng cục đã rà soát các khu vực khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6/5/2014 về việc phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (Quyết định 645). Cụ thể, Tổng cục đã thu thập các báo cáo địa chất sử dụng để khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia tại Quyết định 645; kết quả điều tra, đánh giá, thăm dò các loại khoáng sản đã thực hiện đến nay để rà soát, làm rõ tài nguyên, trữ lượng cũng như phạm vi phân bố đối tượng khoáng sản tại Quyết định số 645.

Đối với 1 khoáng sản chì - kẽm đã đưa vào dự trữ tại Quyết định 645, không tiếp tục đưa vào dự trữ khoáng sản do có tài nguyên nhỏ, trong khi nhu cầu hiện nay rất lớn và đã được Bộ Công Thương dự kiến bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cơ quan chức năng cũng tổng hợp và phân tích tài liệu các kết quả điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản; cập nhật hiện trạng về tài nguyên của các loại khoáng sản dự trữ; các Quy hoạch khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền cho cho Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng phê duyệt để xác định loại khoáng sản quan trọng, chiến lược tiếp tục đưa vào dự trữ, gồm: Khoáng sản có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh nguyên liệu; khoáng cần dự trữ cho mục tiêu phát triển bền vững; loại khoáng sản mà công nghệ khai thác, chế biến tại thời điểm hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu; khoáng sản có trữ lượng, tài nguyên lớn cần dự trữ lâu dài.

Đồng thời, Tổng cục đã làm việc với các tỉnh và khảo sát thực tế. Đối với các khu vực dự trữ khoáng sản có phạm vi rộng, việc rà soát các dự án đầu tư, xác định phạm vi và tài nguyên phức tạp, Tổng cục đã thành lập 4 Đoàn công tác làm việc với UBND các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận (về dự trữ khoáng sản titan); Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế (về dự trữ khoáng sản cát trắng) và Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Gia Lai, Đăk Lăk (về dự trữ khoáng sản bauxit và sắt - laterit). Trên cơ sở kết quả làm việc với các tỉnh, Tổng cục đã ghi nhận hiện trạng chồng lấn của các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch liên quan với khu vực dự trữ khoáng sản, thu thập các tài liệu liên quan, thống nhất phương án khoanh định, điều chỉnh các khu vực dự trữ.

Cơ quan chức năng lấy ý kiến góp ý về hồ sơ trình phê duyệt. Trên cơ sở kết quả rà soát các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã khoanh định tại Quyết định 645; cập nhật kết quả điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản; các quy hoạch khoáng sản có liên quan; tổng hợp ý kiến đề xuất điều chỉnh của các tỉnh, đề xuất khoanh định và điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo quy định tại Nghị định số 51/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Tổng cục đã hoàn thành dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (thay thế Quyết định 645).

Thực hiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 51/2021/NĐ-CP về việc lấy ý kiến của các đơn vị phối hợp trong công tác khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, Bộ TN&MT đã có Văn bản, kèm theo dự thảo báo cáo kết quả rà soát và đề xuất khoanh định khu vực dự trữ xin ý kiến phối hợp của Bộ Công Thương và của các tỉnh có khu vực dự trữ khoáng sản apatit và titan; các Văn bản khác gửi 8 bộ và 27 tỉnh/thành phố đã khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để lấy ý kiến về dự thảo hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tính đến cuối tháng 10/2022, Tổng cục đã nhận được ý kiến góp ý của 7/8 bộ và 26/27 địa phương. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tổng cục đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Báo cáo, Tờ trình và dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở đề xuất tiếp tục khoanh định các khu vực dự trữ đã phê duyệt tại Quyết định 645 và đề xuất khoanh định (bổ sung) các khu vực mới được điều tra, đánh giá thăm dò đến thời điểm hiện nay, có 75 khu vực đối với 9 loại khoáng sản được khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Cụ thể, đối với than năng lượng, khoanh định 1 khu vực than á bitum, diện tích 982km2 có tài nguyên 26,730 tỷ tấn, thời gian dự trữ 50 năm. Đối với quặng apatit, khoanh định 2 khu vực, diện tích 16,6km2 có tài nguyên 1,4 tỷ tấn, thời gian dự trữ 50 năm. Với quặng cromit, có 1 khu vực, diện tích 3,43km2 tài nguyên 175 ngàn tấn Cr2O3. Với quặng titan, có 14 khu vực, diện tích 570,82km2 có tài nguyên 412,331 triệu tấn titan - zircon; trong đó, dự trữ 30 năm là 82.491 ngàn tấn, dự trữ 50 năm là 265.069 ngàn tấn và dự trữ 70 năm là 64.770 ngàn tấn.

11.jpg

Đối với quặng bauxit, khoanh định 22 khu vực, diện tích 1.455,7km2 có tài nguyên 921.866 triệu tấn tinh quặng bauxit, thời gian dự trữ 50 năm. Với quặng sắt - laterit, có 7 khu vực, diện tích 1.404km2 có tài nguyên 809,9 triệu tấn quặng tinh sắt - laterit, thời gian dự trữ 50 năm.

Với đá hoa trắng, khoanh định 10 khu vực, diện tích 369,15km2 có tài nguyên 7,11 tỷ tấn đá công nghiệp, thời gian dự trữ 50 năm. Với cát trắng, khoanh định 15 khu vực, diện tích 96,07km2 có tài nguyên 1.518 triệu tấn, thời gian dự trữ 50 năm. Với quặng đất hiếm, khoanh định 3 khu vực, diện tích 51,16km2 có tài nguyên 693,51 ngàn tấn Tr2O3, trong đó, dự trữ 30 năm là 285 ngàn tấn, dự trữ 50 năm là 408,51 ngàn tấn.

Trong số 9 loại khoáng sản trên, titan, bauxit, sắt - laterit, đá hoa trắng, cát trắng và đất hiếm là những khoáng sản có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh nguyên liệu khoáng, cần dự trữ lâu dài.

Mai Đan