Sóng nhiệt sẽ tác động đến hầu hết mọi trẻ em trên Trái đất
Môi trường - Ngày đăng : 10:46, 03/11/2022
Trẻ em có nguy cơ cao hơn
Theo UNICEF, hiện nay, ít nhất 500 triệu trẻ em phải tiếp xúc với số lượng lớn các đợt nắng nóng, do đó, trẻ em là tuyến đầu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hơn nữa, vào giữa thế kỷ này, hơn 2 tỷ trẻ em sẽ tiếp xúc với các đợt nắng nóng “thường xuyên hơn, kéo dài hơn và nghiêm trọng hơn”.
Bà Catherine Russell - Giám đốc Điều hành UNICEF cảnh báo: “Cuộc khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em, đã gây ra thiệt hại nặng nề cho cuộc sống và tương lai của trẻ. Các trận cháy rừng và sóng nhiệt năm nay đã quét qua Ấn Độ, châu Âu và Bắc Mỹ là một ví dụ rõ ràng khác về tác động của biến đổi khí hậu đối với trẻ em”.
Theo dữ liệu mới được công bố trong báo cáo của UNICEF, trẻ nhỏ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn người lớn khi trải qua các đợt nắng nóng khắc nghiệt do trẻ có khả năng điều chỉnh thân nhiệt kém hơn so với người lớn. Trẻ em càng tiếp xúc nhiều với sóng nhiệt, càng có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe, bao gồm các bệnh mãn tính về hô hấp, hen suyễn và các bệnh tim mạch.
UNICEF cho rằng, thế giới cần khẩn trương đầu tư vào việc xây dựng khả năng phục hồi cho trẻ nhỏ, cũng như việc thích ứng với tất cả các hệ thống liên quan đến trẻ để đáp ứng những thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng. Việc này vẫn phải diễn ra bất kể nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,7oC so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp.
Ưu tiên bảo vệ trẻ em và kêu gọi thích ứng
Trước những thách thức trên, UNICEF khẳng định, bảo vệ trẻ em khỏi những tác động ngày càng tăng của sóng nhiệt phải là ưu tiên của tất cả các quốc gia, đồng thời, kêu gọi các biện pháp giảm thiểu khí thải khẩn cấp và mạnh mẽ nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu và bảo vệ cuộc sống.
Theo số liệu của UNICEF, trẻ em ở các khu vực phía Bắc sẽ phải đối mặt với sự gia tăng mạnh mẽ nhất về mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng cao điểm, trong khi vào năm 2050, gần một nửa số trẻ em ở châu Phi và châu Á sẽ phải đối mặt với việc tiếp xúc liên tục với nhiệt độ cực cao trên 35oC.
Bà Vanessa Nakate - Nhà hoạt động khí hậu và Đại sứ thiện chí của UNICEF cho biết: “Tình trạng này sẽ gây ra tác động tàn khốc đối với trẻ em. Trẻ càng tiếp xúc với các đợt nắng nóng thường xuyên, kéo dài và khắc nghiệt hơn, tác động sẽ càng lớn đến sức khỏe, an toàn, dinh dưỡng, giáo dục, khả năng tiếp cận nước và sinh kế của trẻ trong tương lai”.
Nêu rõ tác động tàn phá của hạn hán ở vùng Sừng châu Phi, bà Nakate nhấn mạnh, nhiều người thiệt mạng do những nguyên nhân có thể ngăn ngừa được, chứng tỏ thế giới đang hành động quá chậm chạp trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và không hỗ trợ đủ để thích ứng.
Bà Nakate cho rằng, trẻ em - những người ít chịu trách nhiệm nhất đối với biến đổi khí hậu - đang phải gánh chịu hậu quả lớn nhất. Bên cạnh đó, mặc dù châu Phi tạo ra chưa đến 4% lượng khí thải toàn cầu, nhưng phải hứng chịu những tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng khí hậu.
UNICEF cho biết: “Hầu hết mọi quốc gia đều đang trải qua những đợt nắng nóng thay đổi. Những gì mỗi chính phủ làm hiện nay sẽ quyết định sự sống còn của trẻ em và thanh niên - những người ít chịu trách nhiệm nhất đối với cuộc khủng hoảng này”.