Quốc hội thảo luận một số dự án Luật, Nghị quyết
Trong nước - Ngày đăng : 11:31, 02/11/2022
Theo đó, trong sáng nay, Quốc hội thảo luận tổ về: Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi).
Tiếp đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Hôm qua (1/11), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu; đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền và đánh giá hồ sơ dự thảo Luật đã được chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng để có thể xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về những nội dung: tên gọi của dự thảo Luật; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc phòng, chống rửa tiền; biện pháp phòng, chống rửa tiền; chính sách của Nhà nước về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; giao dịch có giá trị lớn; tổ chức phi lợi nhuận.
Việc thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; trách nhiệm báo cáo, cung cấp hồ sơ, thông tin báo cáo, đối tượng báo cáo, thời hạn báo cáo, lưu trữ hồ sơ thông tin báo cáo; nhận biết khách hàng, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; việc đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành.
Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro; báo cáo giao dịch đáng ngờ; các yếu tố xác định giao dịch đáng ngờ, các dấu hiệu đáng ngờ; quan hệ ngân hàng đại lý; việc áp dụng các biện pháp tạm thời; tính chính danh khi đăng ký mở và sử dụng tài khoản; trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong phối hợp trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền…
Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, các đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về quản lý tài sản ảo, tiền ảo, dịch vụ công nghệ tài chính vào diện đối tượng phải báo cáo về phòng, chống rửa tiền.
Nghiên cứu, ban hành hướng dẫn chi tiết đối với các biện pháp tăng cường cập nhật thông tin khách hàng phù hợp với mức độ rủi ro về rửa tiền, giám sát đặc biệt, một số giao dịch; bổ sung quy trình tuyển dụng nhân sự, xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm thiểu rủi ro đối với các sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ mới.
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cho rằng, trong dự thảo Luật còn quá nhiều quy định giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành, đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên cụ thể hóa hơn nữa vào luật mà không cần phải chờ Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn nhằm rút ngắn thời gian đưa luật vào thực tiễn.
Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thận trọng các nội dung của dự thảo Luật với các luật hiện hành để bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật trong hệ thống pháp luật quốc gia, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Kết thúc phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự.