Không ký giáp ranh có được làm sổ đỏ?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:47, 01/11/2022

(TN&MT) - Bạn đọc Phan Hồng Nam (Sơn Tây, Hà Nội) hỏi: Gia đình tôi đang làm thủ tục xin cấp lại sổ đỏ vì diện tích thực tế của gia đình tôi lớn hơn trong sổ đỏ cũ. Khi làm thủ tục, cán bộ địa phương yêu cầu phải đo đạc và ký giáp ranh. Tuy nhiên, nhà giáp ranh với mảnh đất của gia đình tôi đi làm ăn xa, chúng tôi cố gắng liên lạc mà không được. Xin hỏi, trong trường hợp không ký được giáp ranh thì thủ tục làm lại sổ đỏ của nhà tôi có ảnh hưởng không?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

Theo quy định, việc ký giáp ranh đất của cá nhân, hộ gia đình giáp ranh với mảnh đất của người sử dụng đất thể hiện trong bản mô tả ranh giới đất khi xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm chứng minh đất không có tranh chấp giữa người xin cấp Giấy chứng nhận và chủ sở hữu của thửa đất liền kề.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 11 Thông tưu 25/2014/TT-BTNMT, xác định ranh giới thửa đất như sau: Trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc cần phải phối hợp với người dẫn đạc (là công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm, ấp, tổ dân phố.... để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất), cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ và lập bản mô tả ranh giới, mốc thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới.

Ranh giới thửa đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và chỉnh lý theo kết quả cấp Giấy chứng nhận, bản án của Tòa án có hiệu lực thi hành, kết quả giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền, các quyết định hành chính của cấp, có thẩm quyền có liên quan đến ranh giới thửa đất.

ky-giap-ranh.png
Ảnh minh họa

Một số trường hợp không cần ký giáp ranh

Hiện nay, pháp luật quy định một số trường hợp việc ký giáp ranh của hộ gia đình, cá nhân giáp ranh không phải bắt buộc khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể, theo Điểm 2.4 Khoản 2 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính và Khoản 2 Điều 8 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT hướng dẫn Nghị định 01/2017/NĐ-CP, trường hợp người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suổt thời gian đo đạc thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã được các bên liên quan còn lại và người dẫn đo đạc xác nhận.

Khi đó, đơn vị đo đạc chuyển bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho UBND xã để xác lập vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã để người sử dụng đất liền kề để ký xác nhận.

Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo mà người sử dụng đất liền kề không có mặt và không có khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã lập.

Trường hợp sau 10 ngày kể từ ngày nhận được Bản mô tả ranh giới, mốc ranh giới thửa đất mà người sử dụng đất liền kề không ký xác nhận, đồng thời không có văn bản thể hiện việc có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác nhận theo bản mô tả.

Do vậy, nếu nhà hàng xóm nhà bạn đi làm ăn xa, vắng mặt và không ký giáp ranh thì có thể chuyển Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho UBND cấp xã để xác nhận vắng mặt. Trong thời hạn đó nếu mà hộ gia đình, cá nhân xung quanh không có văn bản xác nhận đất đang có tranh chấp gửi cho UBND xã thì thửa đất được xác định là không có tranh chấp và có thể cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Báo TN&MT