Điện Biên: Cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên phục vụ xây dựng

Khoáng sản - Ngày đăng : 11:23, 01/11/2022

(TN&MT) - Thời gian qua, nhu cầu sử dụng cát trong xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng cao trong khi nguồn cát tự nhiên cung cấp cho các hoạt động xây dựng đang dần khan hiếm. Do đó, giá thành cát tự nhiên ngày một tăng cao. Trước xu thế phát triển, nhất là đáp ứng nhu cầu các công trình lớn đang và chuẩn bị khởi công trên địa bàn tỉnh, việc sử dụng cát nghiền nhân tạo đang là một hướng đi đúng, mang tính ổn định, phát triển lâu dài.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, các mỏ cát tự nhiên cung cấp cát cho các công trình xây dựng tập trung tại huyện Ðiện Biên và xã Mường Tùng (huyện Mường Chà). Do quá trình vận chuyển xa nên giá thành cát xây dựng phục vụ các công trình ở các huyện là rất cao và ngày càng trở nên khan hiếm.

Hiện nay, hầu hết các huyện đều có mỏ đá được cấp phép, chủ đầu tư đều có thể lắp đặt các dây chuyền sản xuất cát nhân tạo. Nếu cát nhân tạo được sử dụng phổ biến thì sẽ giúp giảm giá thành cát, giảm chi phí xây dựng. Ðơn cử như các công trình tại huyện Mường Nhé, 1m3 cát vào công trình có giá thành khoảng 1,5 triệu đồng (gồm: 1,2 triệu tiền vận chuyển và 300.000 tiền cát). Nếu các công trình đều sử dụng cát nhân tạo sản xuất tại địa bàn chi phí sẽ giảm khoảng 2,5 lần so với sử dụng cát tự nhiên lấy từ Ðiện Biên. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh hàng năm bị sụt, sạt hàng chục héc ta đất nông nghiệp, các bãi bồi nông nghiệp do tình trạng khai thác cát trái phép tại các sông suối. Chính vì vậy, nếu cát nhân tạo được sử dụng phổ biến sẽ giúp bảo vệ môi trường, giảm tình trạng khai thác cát trái phép, giảm sạt lở đất nông nghiệp.

hung-long.jpg
Hiện nay toàn tỉnh có 3 - 4 đơn vị khai thác mỏ đá có lắp đặt dây chuyền sản xuất cát nghiền nhân tạo. Trạm xay đá của Công ty CP đầu tư thương mại Hưng Long, Điện Biên

Ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên cho biết: Hiện nay Sở đang phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong sản xuất vữa và bê tông cho các công trình xây dựng tỉnh Điện Biên. Về lâu dài, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn các nhà đầu tư lập dự án đầu tư khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng lựa chọn quy mô, công suất phù hợp với từng địa bàn, đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Cát nhân tạo có nhiều đặc điểm nổi trội hơn cát tự nhiên như có thể điều chỉnh mô-đun độ lớn và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau. Cát nghiền nhân tạo có tỷ lệ thành phần hạt ổn định, độ góc cạnh lớn hơn cát tự nhiên, lượng hạt dẹt ít hơn đá mạt và có thể kiểm soát được lượng tạp chất gây hại đối với bê tông như bùn, sét…Lợi ích lớn nhất của sử dụng cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên sẽ hạn chế việc khai thác cát tự nhiên tại các dòng sông, suối, giảm mức độ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đồng thời, sản xuất cát nhân tạo sẽ chủ động được nguồn cung đáp ứng nhu cầu tại chỗ, đảm bảo tiến độ các công trình xây dựng, giảm chi phí vận chuyển, giá thành thấp.

z3404992613524_3ed926db6cbc2680a9651853941ef51d.jpg
Cát tự nhiên ngày càng khan hiếm thì sản phẩm cát nhân tạo chính là giải pháp thay thế, góp phần làm giảm tình trạng khai thác cát trái phép, ảnh hưởng đến môi trường và gây sạt lở bờ sông. Điểm khai thác cát tự nhiên tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên.

Mặc dù có nhiều đặc điểm nổi trội nhưng thực tế hiện nay rất khó đưa cát nhân tạo vào các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Bởi vì hiện nay, cát nghiền nhân tạo đang thiếu hầu như mọi điều kiện cần thiết để có thể được sử dụng rộng rãi. Hiện nay toàn tỉnh có 3 - 4 đơn vị khai thác mỏ đá có lắp đặt dây chuyền sản xuất cát nghiền nhân tạo. Tuy nhiên, chỉ có 1 đơn vị cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, các đơn vị còn lại chưa sản xuất được đa dạng sản phẩm, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định. Chính vì vậy, cát nghiền nhân tạo hiện nay chủ yếu được đưa vào sản xuất bê tông, gạch không nung, cấp phối bê tông… việc đưa cát nhân tạo vào công trình xây dựng hầu như không có. Ðến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có lộ trình, hành lang pháp lý để bắt buộc chủ đầu tư xây dựng phải sử dụng cát nghiền nhân tạo. Bên cạnh đó, do chưa phổ biến và thiếu hành lang pháp lý nên công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thay thế cát tự nhiên bằng cát nhân tạo còn hạn chế nên người dân vẫn giữ thói quen sử dụng cát tự nhiên trong các công trình xây dựng.

ximang_catxaydung.jpg

Các công trình xây dựng chủ yếu vẫn sử dụng cát tự nhiên. Công trình xây dựng tại phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ

Bên cạnh đó, đối với các công trình vốn Nhà nước, 100% các huyện, thị xã, thành phố đều đang sử dụng cát tự nhiên, chưa có công trình nào sử dựng cát nhân tạo. Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình huyện Điện Biên Đông cho biết, hiện nay, 100% công trình xây dựng trên địa bàn huyện đều sử dụng cát tự nhiên. Ðối với cát nhân tạo, nếu thời gian tới các sở, ngành liên quan ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn lộ trình thực hiện việc đưa cát nhân tạo vào thay thế cát tự nhiên trong các công trình xây dựng thì Ban sẽ nghiên cứu và sử dụng cho phù hợp với thực tế địa phương.

Với thực trạng cát tự nhiên ngày càng khan hiếm thì sản phẩm cát nhân tạo chính là giải pháp hữu hiệu thay thế, đồng thời sẽ góp phần làm giảm tình trạng khai thác cát trái phép, ảnh hưởng đến môi trường và gây sạt lở bờ sông. Việc sử dụng cát nghiền trong xây dựng cũng là xu hướng tất yếu, phù hợp với định hướng phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.

Trần Hương