Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai

Trong nước - Ngày đăng : 10:13, 01/11/2022

(TN&MT) - Sáng 1/11, tiếp tục chương trình tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khoá XV, báo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, UBKT tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương 5 khóa XIII (Nghị quyết 18).

Dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp

011120220850-z3845113619756_e6b03ab1872fafb0f02fca8a22b38c2e.jpg
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, UBKT tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương 5 khóa XIII (Nghị quyết 18); phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

UBKT nhận thấy về cơ bản, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, do đây là dự án Luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề như:

Tiếp tục rà soát, bảo đảm cụ thể hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 18 cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan trong lĩnh vực đất đai; bảo đảm sự phù hợp trong quy định về trường hợp thu hồi đất giữa dự thảo Luật và Hiến pháp.

Rà soát sự tương thích giữa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự án luật khác đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Rà soát các quy định liên quan đến việc sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.

Tiếp tục hoàn thiện đánh giá tác động đối với các chính sách trong dự thảo Luật, tránh phân tích định tính, đặc biệt đối với 03 vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà Chính phủ xin ý kiến Quốc hội, trường hợp có chính sách mới được bổ sung so với giai đoạn đề nghị xây dựng Luật thì cần bổ sung đánh giá tác động.

Tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi, phù hợp thực tiễn; Xem xét vấn đề bình đẳng giới, tiếp tục đánh giá, phân tích tác động giới sâu sắc hơn, nghiên cứu lồng ghép giới vào các điều, khoản cụ thể; Cụ thể hóa tối đa các nội dung trong dự thảo Luật, bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

UBKT đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát, quy định cụ thể một số nhóm vấn đề

011120220806-z3845084837767_d17b46fb8b828c16191c2d013eb84863.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp

Đối với các nội dung cụ thể, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí bổ sung phạm vi điều chỉnh về “quyền và nghĩa vụ của công dân” và giữ nguyên đối tượng áp dụng như quy định của Luật Đất đai 2013.

Về người sử dụng đất (Điều 6), có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa quy định về người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài cũng như việc tiếp cận đất đai có điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Việc tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài là vấn đề phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, Nghị quyết 18 cũng không đề cập đến nội dung về công nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng như không đặt ra vấn đề về tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể hơn đối với nội dung này, trường hợp cần thiết đề nghị xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát bảo đảm phân biệt rõ giữa quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai với quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý, trong đó cần quan tâm đến trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định rõ hơn nội hàm các quyền và cơ chế để công dân thực hiện quyền đối với đất đai.

Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 57), trong đó có quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất và thời điểm có hiệu lực của việc chuyển quyền, thế chấp, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và quy định của các luật có liên quan.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định về tầm nhìn, căn cứ lập, mối quan hệ, vị trí của quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (chưa được quy định trong Luật Quy hoạch) trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và quy hoạch tỉnh phải tuân thủ các nguyên tắc quy định trong Luật Quy hoạch.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86), Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; rà soát các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 86, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 18 và Hiến pháp, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

Ngoài ra, về Quỹ phát triển đất, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành việc quy định về Quỹ phát triển đất trong dự thảo Luật nhằm thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết 18, bảo đảm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc quy định về nguồn tài chính của Quỹ; việc phân bổ nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ; làm rõ về các nguồn huy động khác theo quy định của pháp luật.

Báo cáo Quốc hội xem xét 03 vấn đề Chính phủ xin ý kiến

011120220855-z3845108207265_e64561c739e100d960aec45302794562.jpg
Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 1/11

Bên cạnh những ý kiến về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo và xin ý kiến Quốc hội về 03 vấn đề Chính phủ xin ý kiến cụ thể, trong đó:

Về mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 181): UBKT cho rằng việc mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp là phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tuy nhiên, cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể về mức độ nới rộng hạn mức. Việc quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tối đa và giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức nhận chuyển quyền của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương là cần thiết, đồng thời đề nghị bổ sung quy định cơ chế giám sát để quản lý việc nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tránh trường hợp lợi dụng chuyển sang mục đích khác.

Về vấn đề này, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị không quy định cụ thể hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà giao địa phương quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa (Điều 57): UBKT cơ bản nhất trí với việc nghiên cứu, xem xét mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, tuy nhiên, đây là nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ tác động, nghiên cứu, có quy định cụ thể hơn nhằm bảo đảm việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa phù hợp điều kiện thực tiễn, đi kèm điều kiện, quy định kiểm soát để tránh lợi dụng chính sách, thu gom đất trồng lúa nhằm mục tiêu đầu cơ nhưng không sản xuất nông nghiệp, kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Về bổ sung quy định cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” (Điều 44): Việc bổ sung quy định này nhằm góp phần khuyến khích việc thực hiện hình thức cho thuê đất thu tiền hằng năm, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp thuê đất trả tiền hằng năm. Tuy nhiên, “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” là một khái niệm mới, cần được làm rõ. Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm cũng có thể dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm thu đầy đủ khoản tiền thuê đất hằng năm, nhất là trong trường hợp bên thế chấp mất khả năng thanh toán. Đề nghị đánh giá tác động của việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm trên các khía cạnh kinh tế, xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc thẩm định, quản lý và xử lý tài sản thế chấp của các tổ chức tín dụng.

Khương Trung - Trường Giang