Lạng Sơn: Khai thác tiềm năng nước mặt để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:09, 01/11/2022

(TN&MT) - Với lợi thế gần 1.300 ha diện tích mặt nước, thuận lợi để phát triển thủy sản, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế lòng hồ, góp phần nâng cao thu nhập. Song song đó, tỉnh cũng luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước, hướng tới phát triển bền vững.

Xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình với hệ thống suối đa dạng, nước suối trong mát chảy quanh năm từ đỉnh Mẫu Sơn xuống với lượng nước dồi dào. Đây chính là tiềm năng giúp bà con nơi đây thoát nghèo từ nuôi cá nước lạnh.

Năm 2015, sau khi đi tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá hồi, cá tầm tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, anh Hoàng Phúc Tình, thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng, nhập 1.000 con cá hồi giống từ Sa Pa về nuôi. Sau hơn 1 năm chăm sóc, cá được xuất bán đem lại thu nhập hơn 200 triệu đồng. Từ đó đến nay, gia đình anh Tình đã có thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi cá hồi.

nuoc-mat-1.jpg
Tận dụng lợi thế mặt nước, đồng bào vùng khó khăn ở Lạng Sơn đã tập trung phát triển kinh tế lòng hồ, nâng cao thu nhập.

Theo lãnh đạo xã Mẫu Sơn - xã vùng 3 còn nhiều khó khăn của huyện Lộc Bình, những năm qua, nhiều hộ dân tại thôn Khuổi Cấp và Khuổi Tằng đã đầu tư các mô hình nuôi cá hồi, cá tầm. Áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập ổn định, hộ ít thì đạt hơn 200 triệu đồng, hộ nuôi nhiều đạt hơn 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhờ đó, đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc, tỷ lệ giảm nghèo bình quân mỗi năm trên địa bàn xã từ 1-2%.

Đặc biệt, để đàn cá tầm, cá hồi sinh trưởng, phát triển tốt, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước lạnh sạch, khử trùng, đo nhiệt độ nước đúng tiêu chuẩn. Do đó, quá trình nuôi trồng, người dân rất quan tâm bảo vệ môi trường, nguồn nước, không có các hoạt động xả thải gây ô nhiễm. Sản phẩm cá thương phẩm Mẫu Sơn chủ yếu tiêu thụ ngay tại các nhà hàng trên địa bàn, nhiều khi không đủ nguồn cung vào ngày cuối tuần hay lễ tết.

Còn tại Bắc La, huyện Văn Lãng, năm 2016, dự án Thuỷ điện Thác Xăng đi vào hoạt động, các hộ dân đã tận dụng tiềm năng hàng trăm ha diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện để nuôi cá lồng. Thời điểm ban đầu, hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh, tận dụng, chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi cá lồng, dẫn đến tỷ lệ cá sống thấp, ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với UBND xã thực hiện mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật đưa giống cá lăng vào nuôi với quy mô 800 m3 lồng, với sự tham gia của 10 hộ dân trên địa bàn. Người dân được hỗ trợ con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh, tập huấn kỹ luật làm lồng, vị trí đặt lồng, thả cá giống, chăm sóc cá... Đến nay, người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cá sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập hàng chục triệu đồng đối với mỗi hộ tham gia.

Chủ tịch UBND xã Bắc La Vy Văn Quyết cho biết, từ năm 2016, phát huy lợi thế mặt nước lòng hồ, xã đã định hướng, hỗ trợ người dân phát triển mô hình nuôi cá lồng bè, chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh sang sản xuất hàng hóa có đầu tư thâm canh, đưa các loại cá đặc sản phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương vào sản xuất, tăng thu nhập.

Bằng các nguồn vốn 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Quỹ hỗ trợ nông dân…, chính quyền xã đã hỗ trợ người dân mua cá giống, vật liệu xây bờ kè, mở rộng diện tích ao… Phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi cá, tham quan mô hình nuôi cá hiệu quả tại các xã khác trong tỉnh. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

nuoc-mat-2.jpg
Tỉnh Lạng Sơn đã hỗ trợ người dân về con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh, kỹ thuật làm lồng, vụ trí đặt lồng, thả và chăm sóc cá.

Theo Sở NN&PTNT Lạng Sơn, những năm qua, phát huy thế mạnh mặt nước sẵn có, phong trào nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, góp phần thay đổi phương thức sản xuất từ khai thác thủy sản tự nhiên sang nuôi trồng có đầu tư theo quy trình kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích mặt nước, cải thiện đời sống người dân.

Đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có gần 1.300ha diện tích nuôi thủy sản, sản lượng ước đạt trên 1.400 tấn. Duy trì hơn 500 mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn các huyện Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định, Lộc Bình, Văn Quan, Bình Gia…

Để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế các mô hình, tỉnh đã giao các ngành chức năng phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ cá giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh…

Cùng với đó, quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, tác hại của dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm, hạn chế sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đối với việc quản lý, khai thác nguồn nước mặt, những năm qua, Sở TN&MT Lạng Sơn đã tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020, định hướng 2030, xây dựng phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong cấp phép khai thác tài nguyên nước.

Từ năm 2021 đến nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thẩm định, cấp 20 giấy phép khai thác, sử dụng nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân, trình Bộ TN&MT cấp 3 giấy phép khai thác nguồn nước mặt cho các đơn vị đủ điều kiện theo quy định.

nuoc-mat-3.jpg
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện duy trì hơn 500 mô hình nuôi cá lồng. Các mô hình này đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho bền vững.

Theo Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, lượng nước mặt chủ yếu ở các hệ thống sông gồm: Kỳ Cùng, Thương, Lục Nam, Ba Chẽ là gần 5 tỷ m3, tại các hồ chứa là 0,135 tỷ m3. Các đơn vị khai thác, sử dụng nguồn nước mặt với tổng lượng khai thác gần 290 triệu m3/năm. Toàn tỉnh hiện có 102 công trình khai thác tài nguyên nước được cấp phép hoạt động, trong đó, 56 công trình khai thác nguồn nước mặt. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước mặt chủ yếu phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp, một phần tạo nguồn cấp nước cho sinh hoạt, thủy điện, công nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Hoàng Nghĩa