TP.HCM: Sắp xếp, nâng cao đời sống lực lượng thu gom rác dân lập

Môi trường - Ngày đăng : 07:23, 01/11/2022

(TN&MT) - Thời gian qua, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập hoạt động tự do vào các Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp vệ sinh môi trường, góp phần nâng cao thu nhập một bộ phận không nhỏ người dân, đồng thời, chuyên nghiệp hóa công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) của thành phố. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM về vấn đề này.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, công tác thu gom CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP.HCM đang tồn tại song song hai hệ thống công lập và dân lập. Cụ thể: Hệ thống thu gom công lập do lực lượng của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận, huyện; thực hiện thu gom khoảng 40% khối lượng CTRSH phát sinh, thu gom tại các hộ mặt đường, mặt phố chính, thu gom tại các đơn vị kinh doanh, sản xuất…

ad.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

Hệ thống thu gom rác dân lập (lực lượng thu gom tư nhân) do các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ/đường dây thu gom rác dân lập thực hiện thu gom khoảng 60% khối lượng CTRSH phát sinh chủ yếu tại các hộ gia đình trong hẻm, các chung cư... Thời gian trước, lực lượng thu gom rác dân lập (khoảng hơn 4.000 lao động) hoạt động manh mún, phân tán; phương tiện thu gom tại nguồn hầu hết khá thô sơ, chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường.

Tại Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 11/6/2017 về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố, Hội đồng nhân dân TP.HCM yêu cầu, đến năm 2020, phải hoàn thành chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân.

PV: Xin bà cho biết tình hình sắp xếp, chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các HTX, doanh nghiệp vệ sinh môi trường tại TP.HCM từ khi triển khai Nghị quyết số 03/NQ-HĐND đến nay?

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ:

Những năm qua, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện đã đẩy mạnh tổ chức, sắp xếp lại hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập, chấn chỉnh công tác thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện nay, TP. Thủ Đức và 19/21 quận, huyện đã hoàn thành việc việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Còn 2 quận vẫn chưa hoàn thành việc chuyển đổi đạt 100%: Tân Phú (đạt 95%) và quận 5 (đạt 39,7%).

Cụ thể, 2.521/2.653 tổ, đường dây thu gom rác dân lập vận động tham gia vào HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (đạt tỷ lệ 95%). Hiện, còn khoảng 132 tổ, đường dây thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 209 công ty tư nhân, 38 HTX và 1 liên hiệp HTX tham gia thu gom, vận chuyển CTRSH, chịu sự quản lý của UBND cấp huyện theo quy định.

anh-3-1-(1).jpg

TP.HCM đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập.

Cùng với đó, UBND TP.HCM đã đẩy mạnh chỉ đạo việc chuyển đổi các phương tiện thu gom rác thô sơ (xe ba gác, xe tự chế…) của lực lượng thu gom rác dân lập thành các phương tiện đạt chuẩn môi trường, an toàn giao thông, tạo mỹ quan đô thị. Giai đoạn 2018 - 2021, TP.HCM đã chuyển đổi được 691 phương tiện, nâng tổng số phương tiện đạt chuẩn lên 4.362 xe; còn lại 3.101 phương tiện chưa chuyển đổi.

UBND TP.HCM đã chấp thuận gia hạn cho UBND TP. Thủ Đức và các quận hoàn tất công tác này chậm nhất đến hết năm 2023, UBND các huyện còn lại hoàn thành chậm nhất năm 2025.

Tham gia HTX, xã viên được thuận lợi hơn trong việc ký hợp đồng thu gom rác đối với các chủ nguồn thải có phát sinh khối lượng CTRSH lớn như các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ... Việc tham gia vào các HTX thu gom rác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các xã viên và người lao động được hoạt động trong môi trường chuyên nghiệp, có thể được hưởng các quyền lợi cơ bản cũng như được hưởng một số chính sách hỗ trợ hoạt động. Từ đó, người lao động có nguồn thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên.

PV: Bà đánh giá thế nào về hoạt động của các HTX, doanh nghiệp vệ sinh môi trường, đặc biệt là quyền lợi, cuộc sống của các xã viên sau khi tham gia HTX, doanh nghiệp?

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ:

Mô hình HTX thu gom rác đã góp phần hỗ trợ nghề nghiệp, tạo việc làm, thể hiện sự quan tâm động viên đến người thu gom rác dân lập. Từ các đường dây thu gom cá thể phát triển thành HTX là đơn vị có tư cách pháp nhân, vì vậy khi tham gia vào HTX, xã viên được thuận lợi hơn trong việc ký hợp đồng thu gom rác đối với các chủ nguồn thải có phát sinh khối lượng CTRSH lớn như các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ... Việc tham gia vào các HTX thu gom rác sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các xã viên và người lao động được hoạt động trong môi trường chuyên nghiệp, có thể được hưởng các quyền lợi cơ bản cũng như được hưởng một số chính sách hỗ trợ hoạt động. Từ đó, người lao động có nguồn thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên.

Bên cạnh đó, mô hình HTX giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước thuận lợi hơn trong việc quản lý trực tiếp các đường dây thu gom rác dân lập, kịp thời thông tin cho địa phương chấn chỉnh đối với các đường dây thu gom rác vi phạm về thu gom CTRSH.

anh-2(2).jpg

Lực lượng gom rác dân lập đang thu gom 60% tổng khối lượng CTRSH tại TP.HCM

Tuy nhiên, bên cạnh những HTX thu gom, vận chuyển rác hoạt động có hiệu quả, vẫn tồn tại một số HTX thu gom rác hoạt động mang tính chất hình thức, chưa quản lý và điều động được các xã viên trong tổ chức hoạt động thu gom CTRSH tại nguồn. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của các chương trình của thành phố trong quá trình triển khai chuỗi hoạt động liên quan đến lĩnh vực môi trường như: chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu giá dịch vụ…

Nhằm tạo cơ sở pháp lý để triển khai các chính sách hỗ trợ hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, Sở TN&MT đã đề xuất bổ sung nội dung về chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, tai nạn và trang bị bảo hộ lao động đối với công nhân vệ sinh môi trường khi góp ý Dự thảo 2 Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

PV: Xin bà cho biết, TP.HCM đã và đang triển khai những chính sách nào hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập nhằm giúp họ cải thiện đời sống và góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường?

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ:

TP.HCM luôn quan tâm và đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho lực lượng thu gom rác dân lập, như: Vay vốn ưu đãi chuyển đổi phương tiện thu gom CTRSH; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động.

Trong đó, thành phố có hỗ trợ đối với việc vay vốn lãi suất ưu đãi để chuyển đổi phương tiện thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường (đơn vị trực thuộc Sở TN&MT thành phố) hướng dẫn và hỗ trợ vay theo quy định. Quỹ đã tiếp nhận 89 hồ sơ đề nghị vay vốn để đầu tư chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH, trong đó, duyệt vay cho 68 dự án. Tính đến tháng 7/2022, Quỹ đã giải ngân cho 57 dự án với số tiền hơn 70,4 tỷ đồng để đầu tư chuyển đổi 80 phương tiện thu gom đạt chuẩn.

Đồng thời, nhằm tạo cơ sở pháp lý để triển khai các chính sách hỗ trợ hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, Sở TN&MT đã đề xuất bổ sung nội dung về chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, tai nạn và trang bị bảo hộ lao động đối với công nhân vệ sinh môi trường khi góp ý Dự thảo 2 Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi);

Ngoài ra, Sở TN&MT đang nghiên cứu tham mưu UBND TP.HCM nội dung trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết thông qua Đề án Hỗ trợ rác dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức có tư cách pháp nhân để làm cơ sở triển khai trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Quỳnh (thực hiện)