Cần rà soát tháo gỡ vướng mắc, chồng chéo giữa các Luật
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 07:21, 01/11/2022
Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trưởng Ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy, thời gian qua, có nhiều dự án phải “nằm im” trong nhiều năm không có lối ra và bản thân các cơ quan thực thi ở địa phương cũng rất khó khi thực hiện. Nguyên nhân từ sự xung đột, chồng chéo giữa các luật, quy định giữa luật không giống nhau hoặc không rõ ràng, dẫn tới người thực thi tại các địa phương ngần ngại, trì hoãn.
Thực tế, thời gian trước, VCCI hợp tác với tỉnh Bắc Ninh và đã cố gắng xây dựng một quy trình, một dự án đầu tư có sử dụng đất trên thực tế. Tuy nhiên, quy trình trên thực tế rất khác so với quy trình trên giấy. Một dự án phải “lòng vòng” giữa các sở, ngành và mỗi sở, ngành phải đi qua rất nhiều khâu khi thực hiện thủ tục hành chính. Vì vậy, theo ông Tuấn, đơn giản hóa thủ tục phải là bước đột phá và mục tiêu rất quan trọng của Dự thảo Luật Đất đai lần này.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện tiếp cận quỹ đất rất khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất. Hiện nay, quỹ đất địa phương tại các khu công nghiệp dường như chưa dành cho các doanh nghiệp nhỏ mà hầu như chỉ là các dự án FDI, các dự án lớn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khá khó khăn để vào các khu công nghiệp do họ phải trả tiền một lần, phải thuê với diện tích tối thiểu, và hầu như không đáp ứng được. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng đất ở của mình làm nơi sản xuất. Điều này tạo ra những hệ lụy về môi trường và những tác động xã hội nghiêm trọng.
Ông Tuấn mong muốn thời gian tới, các chuyên gia, cơ quan, chính quyền địa phương, doanh nghiệp sẽ cùng thảo luận để đưa ra một cơ chế phù hợp, một cơ chế tiếp cận đất thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa phải là một ưu tiên trong luật này.
Đồng quan điểm này, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, những tư tưởng của Nghị quyết 18 đã được thể chế trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, ông Tuyến băn khoăn về tính khả thi, bởi vì đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất không chỉ chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai mà còn chịu sự quy chiếu, điều chỉnh của những luật khác có liên quan như Luật Đấu giá tài sản công, Luật Đấu thầu...
Theo chuyên gia này, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định về nội dung những trường hợp nào đấu giá quyền sử dụng đất, những trường hợp nào không đấu giá, những trường hợp nào đấu thầu. Trình tự thủ tục đấu giá, đấu thầu lại liên quan đến các luật chuyên ngành khác. Vì vậy, ông Tuyến cho rằng: “Sửa Luật Đất đai là vấn đề cần nhưng chưa đủ vì sửa Luật Đất đai phải rà soát sửa Luật Đấu giá tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan. Nếu nhìn ở góc độ chỉ sửa Luật Đất đai thông qua giao đất, cho thuê đất, thông qua đấu giá, đấu thầu sẽ giải quyết, khắc phục được những khuyết thiếu, trở ngại thực tế hiện nay đang đặt ra là chưa giải quyết được vấn đề”.
Trước đây, Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai thực hiện giao đất, cho thuê đất phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. “Kẽ hở” này đã bị lợi dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm... Lần này định vị lại, cũng là phương thức Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai nhưng bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng hơn thông qua giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội
Một số doanh nghiệp bất động sản cũng cho rằng, phương thức chuyển nhượng và góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hiện hành đang là cản trở lớn đối với các doanh nghiệp muốn tiếp cận đất đai để đầu tư bất động sản, bởi các điều kiện quy định trong Luật Đất đai năm 2013 không tương thích và thông thoáng như tinh thần mở của Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Đầu tư…