Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Lâm Đồng

Xã hội - Ngày đăng : 16:23, 31/10/2022

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thực hiện tại Lâm Đồng được triển khai thí điểm năm 2009 theo Quyết định 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được xem là một trong những chính sách đột phá trong bảo vệ và phát triển rừng, bởi từ chỗ dựa hoàn toàn vào ngân sách sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách và xã hội hóa cho việc quản lý và bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Đối với Lâm Đồng chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2022 là 61 đơn vị: 43 nhà máy sản xuất thủy điện, 13 cơ sở sản xuất và kinh doanh nước sạch, 5 cơ sở sản xuất công nghiệp và 17 đơn vị kinh doanh du lịch. Tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được từ 2009 - 2021 là 2.628 tỷ đồng, bình quân 219 tỷ đồng/năm. Trong đó, thu từ các nhà máy sản xuất thủy điện chiếm tỷ trọng 95% tổng thu. Một số nhà máy thủy điện có số tiền nộp hàng năm trên 25 tỷ đồng/đơn vị: Đa Nhim; Đại Ninh; Đồng Nai 4; Trị An; Hàm Thuận - Đa Mi…) các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch chiếm 4,6%, các đơn vị kinh doanh du lịch chiếm và các cơ sở sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng không đáng kể.

picture1(1).png
Một điểm chi trả tiền dịch vụ môi trường bằng tiền mặt của Quỹ Lâm Đồng

Diện tích rừng cung ứng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm ước đạt 400.000 ha, chiếm hơn 73% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Với mức chi trả bình quân từ 550.000 - 650.000 đồng/ha/năm. Từ năm 2011 - 2021, tổng số tiền đã chi trả cho các chủ rừng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng là 2.126 tỷ đồng, chiếm trên 90% diện tích được chi trả và 95% diện tích này chủ rừng ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng đến hơn 16.000 hộ/năm tạo thu nhập cho hộ từ 12 triệu đến 18 triệu đồng/hộ/năm.

Qua hơn 10 năm thực hiện tại Lâm Đồng, chi trả dịch vụ môi trường rừng được đánh giá là một trong những chính sách Lâm nghiệp triển khai mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, hoạt động giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn chi trả DVMTR đã góp phần cải thiện sinh kế và đời sống của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

picture11.png
Hộ nhận khoán bảo vệ rừng nhận tiền thông qua giao dịch điện tử

Chính sách chi trả và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng của các cấp ủy Đảng, cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh, những đối tượng được điều chỉnh trực tiếp của chính sách: nộp tiền dịch vụ và cung ứng dịch vụ được nâng cao. Từ đó tạo được sự đồng thuận trong thực hiện chính sách, các đối tượng cung ứng có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng và rừng được bảo vệ tốt hơn.

Việc tạo ra nguồn tài chính lớn hỗ trợ đáng kể nguồn chi từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương và nguồn thu này có yếu tố bền vững và không đánh đổi bằng giá trị trực tiếp của rừng là khai thác, bán sản phẩm tài nguyên rừng.

Ngoài ra, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động cho các chủ rừng nhà nước: nguồn thu từ tiền dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng nhà nước (từ 10% chi phí quản lý khoán bảo vệ rừng và một phần thu từ diện tích tự quản lý), đã góp phần giải quyết khó khăn về nguồn kinh phí hoạt động cho các đơn vị trong điều kiện kinh phí được cấp còn hạn hẹp. Từ nguồn kinh phí này các chủ rừng chủ động hơn trong việc tổ chức lực lượng, hướng dẫn, đôn đốc và cùng với lực lượng nhận khoán hùng hậu tổ chức bảo vệ rừng có hiệu quả hơn.

picture12(1).png
Các hộ nhận khoán bảo vệ rừng phối hợp với Kiểm Lâm thực hiện công tác tuần tra bảo vệ rừng

Có thể nói rằng, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục được xem là nguồn tài chính quan trọng để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển vốn rừng hiện có của tỉnh gắn với nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa. Để thực hiện được nhiệm vụ này thì trách nhiệm của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh cần tập trung rà soát bổ sung đối tượng nộp tiền, thu đúng và thu đủ tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Chi trả kịp thời, công khai minh bạch cho các chủ rừng cung ứng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc nộp tiền của các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, diện tích cung ứng của các chủ rừng và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng từ chủ rừng đến hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

Các chủ rừng có khoán bảo vệ rừng cần có giải pháp hợp lý để nâng cao ý thức và trách nhiệm của hộ nhận khoán trong tham gia bảo vệ rừng nhằm đảm bảo diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng hàng năm đã đăng ký và góp phần ổn định đời sống người tham gia bảo vệ rừng.

Tiến Trung