Cần kiên quyết thu hồi dự án treo, chậm tiến độ

Trong nước - Ngày đăng : 16:23, 31/10/2022

(TN&MT) - Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo, chậm tiến độ; đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng; quy định 3 hoặc 5 năm nếu quy hoạch không triển khai thực hiện thì đương nhiên quy hoạch đó không còn giá trị pháp lý, đồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.

Ngày 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội thảo luận ở Hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Phát biểu tại phiên họp, nêu vấn đề lãng phí trong sử dụng đất, nhất là dự án treo, quy hoạch treo, Đại biểu Nguyễn Hữu Thông, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng, đây là những lãng phí vô cùng lớn về nguồn lực đất đai, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, làm mất cơ hội phát triển của đất nước, nhưng lãng phí lớn hơn đó là làm suy giảm, lãng phí niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước.

Đại biểu cho rằng, Luật Đất đai sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp lần này. Dự kiến tháng 10/2023 sẽ thông qua và có hiệu lực thi hành có thể từ ngày 1/4/2024. Từ nay đến đó, thời gian còn khá dài, do vậy, Đại biểu đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ để những người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo, giảm bớt những khó khăn.

Cụ thể, kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo, chậm tiến độ; đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng; quy định 3 hoặc 5 năm nếu quy hoạch không triển khai thực hiện thì đương nhiên quy hoạch đó không còn giá trị pháp lý, đồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.

Đồng quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nguồn lực về nhà cửa và đất đai đang còn bị lãng phí rất lớn và cũng là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy, liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách.

Đại biểu Đại biểu Nguyễn Tạo cho biết, theo phụ lục báo cáo kết quả giám sát, có 28.000 hecta của 900 dự án, công trình chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án lớn có vướng mắc.

Ví dụ tại tỉnh Lâm Đồng có hai sân bay và một khách sạn liên doanh thuộc đất quốc phòng nằm ngay giữa khu vực trung tâm của 2 thành phố lớn, đó là thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc nhưng đã bị lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí như: sân bay Cam Ly ở trung tâm thành phố Đà Lạt có 53 hecta, bị lấn chiếm khoảng 40 hecta; sân bay ở phường Lộc Phát của thành phố Bảo Lộc hơn 35 hecta, bị lấn chiếm gần như toàn bộ; khách sạn Babico ngay trung tâm phường 1, Đà Lạt với diện tích hơn 7.500 m2 là vị trí đất vàng, nhưng các vi phạm, tranh chấp, xử lý tài sản gắn với đất quốc phòng chậm được xử lý.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp kể từ sau khi Quốc hội giám sát vào năm 2018, hiện nay, tuy có chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Thực tế, vẫn tiếp tục phát sinh khiếu nại, tố cáo, trong đó có những trường hợp khiếu kiện đông người liên quan đến đất của nông, lâm trường tại các địa phương. Thiết nghĩ đây là một vấn đề lớn, nguồn lực còn bị để lãng phí.

Đại biểu đề nghị cần phải nhấn mạnh trong Nghị quyết giám sát chuyên đề lần này của Quốc hội. Đồng thời, cũng là một trong những nội dung cần được quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương khóa XIII đã đề ra với mục tiêu, đó là huy động, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai trở thành một động lực đưa Việt Nam trở thành đất nước phát triển.

Một vấn đề khác được Đại biểu nêu ra là công tác thu hồi dự án chậm tiến độ, quy hoạch treo và các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức sử dụng quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội và xử lý các sai phạm trong việc rà soát, sắp xếp lại tài sản công vẫn còn xảy ra. Ví như trong việc triển khai các kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán chậm được triển khai, khắc phục, chưa gắn với trách nhiệm công vụ của người đứng đầu khi có sai phạm xảy ra.

“Đây là những câu chuyện kéo dài nhiều năm, qua nhiều thời kỳ nhưng chậm được xử lý và trở thành một vấn đề lớn, bất cập trong công tác quản lý tài sản công. Tôi tha thiết đề nghị cần đưa vào nghị quyết giám sát về chuyên đề của Quốc hội để Chính phủ có những giải pháp cụ thể, khắc phục dần những hạn chế, vướng mắc mà nguyên nhân chính vẫn là kỷ cương, phép nước và vấn đề thực thi pháp luật trong lĩnh vực này” Đại biểu Nguyễn Tạo nói .

Cuối cùng, thực tế cho thấy, chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công ở các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập và thiếu chặt chẽ. Đặc biệt là độ vênh giữa Luật Đất đai với các luật chuyên ngành khác như: Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Thêm vào đó là sự phối hợp chưa đồng bộ, chặt chẽ và thiếu thường xuyên giữa các Bộ, ngành với chính quyền địa phương trong quản lý và sử dụng tài sản công. Đây là vấn đề còn cần phải có những giải pháp kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công nhằm góp phần mang lại hiệu quả của việc xử lý tài sản công và phát huy giá trị của việc sử dụng tài sản công trong thời gian tới.

Thúy Nhi