Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) tại miền Trung, Tây Nguyên

Thời sự - Ngày đăng : 19:45, 29/10/2022

(TN&MT) - Chiều 29/10, tại Lâm Đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo luật tài nguyên nước sửa đổi khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường, ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chủ trì Hội thảo.
z3838985503515_decf080df239b9916bb9da89e728bb3e(1).jpg
Thứ trưởng Lê Công Thành -Phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các vị đại biểu của bộ, ban, ngành Trung ương; các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố; các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước, khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Luật Tài nguyên nước 2012 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể ngày 1/1/2013. Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước; tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu; 63% lượng nước được hình thành ở bên ngoài lãnh thổ; nhu cầu khai thác ngày càng tăng; nguồn nước suy giảm đã đặt ra nhiều thách thức lớn.

z3838935533120_a5735883fac2e1612738de1f19a21b57(1).jpg
Ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Bộ TN&MT báo cáo tại Hội thảo

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương mới nhằm tăng cường công tác quản lý hiệu quả tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm để bảo đảm an ninh nguồn nước đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất và môi trường. Thực tế đó đòi hỏi pháp luật về tài nguyên nước cần thiết phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

z3839305313991_ae94225edecb903312090c670e0085d7.jpg
Ông Nguyễn Văn Trãi - PGD Sở TN&MT Lâm Đồng trao đổi về một số vấn đề liên quan đến dự thảo luật tài nguyên nước sửa đổi

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, sau 10 năm triển khai Luật Tài nguyên nước 2012, trên cả nước đã đạt được một số kết quả tích cực về công tác quản lý tài nguyên nước, tuy nhiên trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật từ năm 2013 đến nay cũng đã phát sinh những vấn đề cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật tài nguyên nước năm 2012 để đảm bảo tỉnh đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước trong giai đoạn mới.

z3838935524628_d080af0ad1d097a04a17f75bfbde8c08.jpg
Ông Đinh Viết Thiện - PGD thuỷ điện IaLy Gia Lai trao đổi về một số nội dung liên quan đến dự thảo luật tài nguyên nước 

Theo Thứ trưởng Để tiếp tục thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời để Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của 19 tỉnh phía Nam, 28 tỉnh phía Bắc. Hôm nay Bộ tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật của 16 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các đại biểu chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm, đóng góp ý kiến quý báu của mình cho dự thảo Luật, tập trung vào các điểm mới của dự thảo Luật nhằm xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm tính đồng bộ, tổng hợp, thống nhất quản lý về tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo đảm hiệu quả, tính khả thi cao và đi vào thực tiễn.

z3838985009494_9aee7bd94f2417252495bda4cdde8416(1).jpg
ông Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

Báo cáo tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, Bộ TN&MT đã thực hiện rà soát, tổng kết Luật Tài nguyên nước năm 2012, cập nhật các chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước trong các Nghị quyết để thực hiện như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,... làm căn cứ chính trị và cơ sở lý luận cho việc xác định cụ thể hoá những quan điểm, chủ trương, chính sách cơ bản trong dự thảo Luật.

z3838985001399_6d8fa2ec928a1d85d8d4ecc0a0e27ad9.jpg
Thứ trưởng Lê Công Thành -Phát biểu kết luận Hội thảo

Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); đã tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc về dự thảo Luật với cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đã gửi lấy ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các tổ chức, cá nhân và đăng tải dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

z3838935525362_ca7117adb7e53b1c7e0a61b78edc8e34.jpg
Ông Lương Văn Ngự - Nguyên PGD Sở TN&MT Lâm Đồng chia sẻ một số nội dung trong dự thảo luật tài nguyên nước sửa đổi

Theo đó, nội dung chính của dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều, sửa đổi, bổ sung 55 điều, bổ sung mới 13 điều) và bãi bỏ 05 điều.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các sở TN&MT, doanh nghiệp khai thác và sử dụng nước đã phát biểu đánh giá cao Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ TN&MT chủ trì xây dựng, soạn thảo. Đồng thời, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung quan trọng, nhất là nội dung liên quan đến những điểm mới của dự thảo Luật. Trong đó, có nhiều đại biểu nêu lên một số bất cập tại một số nội dung tại một số khoản, điều cần sửa đổi sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, từng địa phương.

z3838985503515_decf080df239b9916bb9da89e728bb3e(1).jpg

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các sở TN&MT, doanh nghiệp vào dự thảo luật tài nguyên nước sửa đổi. Qua Hội thảo này, Bộ TN&MT rất vui mừng và cám ơn các đại biểu đã thẳng thẳn đóng góp ý kiến để ngành tài nguyên nước ngày một phát triển bền vững và ổn định hơn.

Phạm Hoài