Thành tựu 60 năm đào tạo báo chí cách mạng của Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Xã hội - Ngày đăng : 14:52, 29/10/2022

Trong lịch sử 60 năm hình thành và phát triển, Viện Báo chí đã có nhiều thành tựu to lớn trong đào tạo nhân lực báo chí cách mạng và phát triển lý luận báo chí cách mạng Việt Nam trên nền tảng của khoa học báo chí truyền thông.

Sáng 29/10, tại Hà Nội, Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống (1962 – 2022). Chương trình lễ kỷ niệm gồm nhiều hoạt động ý nghĩa ôn lại truyền thống lịch sử hình thành và phát triển của Viện Báo chí như: giới thiệu phim tài liệu “Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 60 năm đồng hành cùng báo chí cách mạng Việt Nam”; tri ân 75 cá nhân là các thế hệ nhà báo lão thành, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên góp công lớn cho sự phát triển của Viện Báo chí …

60-nam-vien-bao-chi.jpg
Lễ kỷ niệm diễn ra long trọng với nhiều hoạt động ý nghĩa 

Tới dự lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo, đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và địa phương, một số trường đại học, lãnh đạo nhà trường và các đơn vị của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Viện Báo chí.

Phát biểu tại diễn văn chào mừng lễ kỷ niệm, PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí chia sẻ, chặng đường 60 năm qua, Viện Báo chí đã có thành tựu to lớn trong đào tạo nhân lực báo chí cách mạng, bám sát thực tiễn cách mạng từng thời kỳ, từ nghiên cứu tổng kết thực tiễn báo chí cách mạng, phát triển lý luận báo chí cách mạng Việt Nam trên nền tảng của khoa học báo chí truyền thông; xây dựng và thực thi mô hình đào tạo nhà báo đảm bảo kiến thức chính trị - xã hội, năng lực nghiệp vụ, phẩm chất chính trị - phẩm chất đạo đức phẩm chất nghề nghiệp báo chí đặc thù.

Tính đến thời điểm hiện tại, Viện có gần 200 đầu giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo đã được hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu, xuất bản, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của người học. Song song đó, viện còn có nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm các mô hình, dự án ứng dụng, phát triển báo chí, đào tạo bồi dưỡng nâng cao; hướng tới chuẩn hóa hệ thống giáo trình đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam và hệ thống chương trình, tài liệu bồi dưỡng”.

do-thi-thu-hang.jpg
PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí phát biểu tại lễ kỷ niệm

Chặng đường hình thành và phát triển trong 60 năm qua, Viện Báo chí đã đào tạo được gần 20.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các khóa, các hệ và các cấp. Các thế hệ ấy đã trưởng thành, nối tiếp truyền thống tốt đẹp, khẳng định bản sắc và có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp báo chí, truyền thông vì sự nghiệp đổi mới đất nước …

Tiền thân của Viện Báo chí là Khoa Báo chí được thành lập ngày 16/1/1962 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 1/2019, Viện Báo chí chính thức thành lập theo Quyết định số 6591-QĐ/HVCTQG của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Khoa Báo chí và Viện Nghiên cứu Báo chí - Truyền thông. Viện hiện có 3 chuyên ngành đào tạo bậc cử nhân gồm: Báo chí, Truyền thông đại chúng, Truyền thông đa phương tiện; 2 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ báo chí là Báo chí và Quản lý báo chí truyền thông. Viện cũng đào tạo tiến sĩ Báo chí học cùng nhiều chương trình bồi dưỡng ngắn hạn dành cho tất cả các đối tượng thuộc các vị trí, chức danh trong hệ thống cơ quan báo chí và quản lý báo chí truyền thông trong nước.

Phạm Văn