Đại học TN&MT Hà Nội xây dựng tiêu chí “Trường học không thuốc lá"

Môi trường - Ngày đăng : 20:03, 28/10/2022

(TN&MT) - Ngày 28/10, Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức tập huấn cho giảng viên, sinh viên về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá và hướng dẫn xây dựng môi trường không khói thuốc.

Tham dự chương trình có bà Lý Thị Hồng Điệp, Phó Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS Lê Thị Trinh - Phó Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế. 

Buổi tập huấn là hoạt động ý nghĩa thiết thực đối với giảng viên, sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, tập trung vào công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, hướng dẫn xây dựng trường đại học, cao đẳng, học viện không khói thuốc lá. 

313373733_2367961533379836_2499253916453784256_n.jpg
ThS. Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ về tác hại của thuốc lá hiện nay

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương đã có những trao đổi và chia sẻ về tác hại của thuốc lá hiện nay. Bà cho biết, chất Nicotine chứa trong thuốc lá đã được Cơ quan FDA xếp vào nhóm có tính chất dược lý gây nghiện chủ yếu tương tự như ma túy Heroin và Cocain, gây nghiện của Nicotin chủ yếu là trên hệ thần kinh trung ương với sự có mặt của các thụ thể Nicotin trên các cấu trúc não. 

Ảnh hưởng đầu tiên của thuốc lá đến sức khỏe con người chính là chức năng lọc không khí của phổi bị tổn thương, vì đường hô hấp bị cản trở bởi sự lưu thông trao đổi khí, gây nên khả năng tăng nhiễm virus, vi khuẩn, các bệnh mắc phổi tắc nghẽn mãn tính, lao phổi, bệnh kéo dài dễ dẫn đến tử vong. Người hút thuốc có sức đề kháng kém vì tiếp xúc lâu dài với thành phần độc hại trong thuốc lá, về lâu dài sẽ mắc các bệnh về ung thư như thư phổi, ung thư vòm miệng, ung thư thanh quản… Hơn nữa, hút thuốc có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim như xơ vữa động mạch, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử… 

Ngoài ra, khói thuốc gây ra rất nhiều tác hại đối với sức khỏe sinh sản của phụ nữ và gây rối loạn tình dục ở nam giới. Không chỉ ảnh hưởng bởi khói thuốc lá trực tiếp, hút thuốc thụ động cũng như một tình trạng đáng báo động, khi hít phải khói thuốc của người hút cũng làm tăng 20 - 30% nguy cơ ung thư phổi theo nghiên cứu của Surgeon general report, CDC, 2006. 

ThS. Thu Hương nhấn mạnh, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Trung bình tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong cho các nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá là 23.139 tỷ VND/năm. Còn trên thế giới, con số có thể lên tới 500 tỷ USDnăm do tác hại của thuốc lá gây ra đối với bệnh tật, môi trường, hỏa hoạn và ngân sách gia đình của các hộ nghèo cũng bị ảnh hưởng. 

Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội phê chuẩn ngày 18/6/2012, có đưa ra những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em và các cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao.

313363189_2367961563379833_6854277860938346212_n.jpg
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hưởng ứng tiêu chí xây dựng "Trường học không thuốc lá"

Hiện nay, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tại nhiều cơ quan, trường học, các trụ sở làm việc,... đều thực hiện triển khai phòng chống tác hại của thuốc lá khi phân chia khu vực cho người hút thuốc, đưa ra các biện pháp tuyên truyền, quy định về phòng chống thuốc lá  giữ bầu không khí trong sạch.

Trong đó, ThS. Thu Hương cho biết, trong nhà trường, khi bắt đầu hút thuốc, các học sinh, sinh viên chưa nhận thức đầy đủ tính chất gây nghiện và các nguy cơ mắc bệnh do việc hút thuốc, hơn nữa có thể làm tăng khả năng nhiễm các tệ nạn xã hội khác như nghiện rượu, ma túy,... nên trong các trường Đại học, cao đẳng, học viện, sự phải xây dựng được các quy định, quy chế giúp ngăn ngừa học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá, tạo môi trường học tập và làm việc trong lành, góp phần bảo vệ sức khỏe của thế hệ tương lai đất nước, giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng, giảm các gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho toàn xã hội. 

Để làm được điều đó, nhà trường cần phải xây dựng được tiêu chí “Trường học không thuốc lá" qua việc thành lập Ban chỉ đạo; khảo sát thực trạng trước khi triển khai đề án, xây dựng nội quy, kế hoạch phòng, chống thuốc lá; phổ biến nội quy, triển khai các hoạt động hỗ trợ và đánh giá, báo cáo, tổng kết quá trình, kết quả trong việc thực hiện tiêu chí “Trường học không thuốc lá". 

Thuỵ Khanh