Tăng cường dòng tín dụng xanh cho bảo vệ môi trường, giảm phát thải

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:12, 27/10/2022

(TN&MT) - Cơ cấu tín dụng xanh tại Việt Nam đang có sự chuyển dịch từ lĩnh vực quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, thị trường tài chính xanh còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh, đặc biệt là các sản phẩm tài chính mới như cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh, tài chính xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”, do Tạp chí Ngân hàng tổ chức ngày 27/10, tại Hà Nội.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Tính đến ngày 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).

Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.​ Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapo.

img_4587.jpg
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chia sẻ, tín dụng xanh được hiểu là những khoản tín dụng mà ngân hàng cung cấp cho các dự án không gây rủi ro hoặc gắn với bảo vệ môi trường. Hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh đóng vai trò rất quan trọng đối với việc thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, tín dụng xanh đang có những chuyển hướng tích cực, nhận được nhiều sự quan tâm và đầu tư ngày càng cao. Kết quả khảo sát của Ngân hàng nhà nước với các tổ chức tín dụng cho thấy, sự hiểu biết của các tổ chức tín dụng về tăng trưởng xanh, tín dụng xanh đã cải thiện đáng kể và ngày càng được nâng lên. Nhiều tổ chức tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược có tính đến rủi ro môi trường, xã hội; tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường, xã hội vào quy trình thẩm định tín dụng xanh; xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng xanh; quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp cho các dự án này, chủ yếu trong trung - dài hạn và có ưu đãi lãi suất.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26),Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với cam kết này, trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực xanh chảy vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ gia tăng với sự hỗ trợ của các định chế tài chính quốc tế. Đồng thời, các ngân hàng, doanh nghiệp cũng tự tin đẩy mạnh cho vay, đầu tư vào các dự án tăng trưởng xanh.

img_4524.jpg
Các diễn giả tham gia Phiên thảo luận “Hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh, tài chính xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam” 

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng chia sẻ về trực trạng, thách thức và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng về 0 của Việt Nam. Nhìn nhận về thách thức, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài Chính) cho rằng, động lực của tăng trưởng của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam giai đoạn 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, chưa xuất phát từ thị trường.

Việc thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia trên tất cả các mảng thị trường tín dụng, cổ phiếu và trái phiếu xanh này, dẫn đến thị trường thiếu sự chuyên nghiệp và kém thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Đối với kênh trái phiếu xanh, chỉ có số ít các doanh nghiệp lớn phát hành được ra quốc tế. Theo phản ánh từ thị trường tại Báo cáo khảo sát của Ủy ban Chứng khoán nhà nước năm 2021 đối với thị trường trái phiếu xanh, 90% doanh nghiệp cho biết, họ khó tìm được người mua khi phát hành trái phiếu.

Đối với kênh chứng khoán xanh, đa số các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa sẵn sàng tham gia phát hành, đầu tư để đón làn sóng đầu tư quốc tế. Việc thiếu vắng cả bên mua lẫn bên bán sẽ làm cho các kênh đầu tư này có tính thanh khoản thấp, đồng thời thiếu sự thu hút, nếu so với các danh mục đầu tư khác vốn có tính rủi ro cao hơn, đồng nghĩa với lãi suất cũng cao hơn – ông Quỳnh nhận định.

anh-1.jpg
Quang cảnh hội thảo

Theo bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng (BWG), để tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng tỷ trọng tín dụng xanh, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cụ thể về tín dụng xanh cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có tác động đến môi trường, xây dựng các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất - làm cơ sở để các ngân hàng thương mại đánh giá khi cấp tín dụng xanh.

Về trái phiếu xanh, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ định các ngân hàng làm cố vấn hợp pháp hóa nguồn gốc trái phiếu, dựa trên trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cao về thị trường vốn; có sự kiểm soát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, các tổ chức cũng sẽ cần đánh giá tiềm năng chuyển đổi danh mục đầu tư của họ. Chúng tôi khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tài chính tại Việt Nam thiết lập các công bố thông tin liên quan đến rủi ro khí hậu theo các khuyến nghị của Tổ công tác về Công bố tài chính liên quan đến khí hậu và thực hiện việc thiết lập mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn 2 phiên thảo luận chuyên đề với các nội dung: “Hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh, tài chính xanh, ngân hàng xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam” và “ Kinh nghiệm quốc tế về cung ứng tín dụng xanh, tài chính xanh, hoạt động ngân hàng xanh, thực tiễn tại Việt Nam và các khuyến nghị, giải pháp”. Các ý kiến trao đổi của ác diễn ra đã gợi mở nhiều vấn đề mới về phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam và những hướng đi cần nghiên cứu, quan tâm hơn trong thời gian tới.

Khánh Ly