Đảm bảo thống nhất, đồng bộ Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng

Đất đai - Ngày đăng : 06:15, 27/10/2022

(TN&MT) - Góp ý vào nội dung QHKHSDĐ trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều chuyên gia cho rằng, cần có quy định thống nhất với Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng; đặc biệt, bổ sung quy định cụ thể về sử dụng không gian ngầm.

Đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các Luật.

TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, quá trình thực thi Luật Đất đai vẫn còn khá nhiều tồn tại, đặc biệt là tính thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các luật có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất như Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn còn một số bất cập với các Luật trên.

Ví dụ như: Điều 19 Luật Quy hoạch quy định: “Việc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện bằng hình thức gửi hồ sơ, tài liệu và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch”. Điều 29 Nghị định 37/2019/NĐ-CP quy định lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia được thực hiện dưới 2 hình thức: Lấy ý kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh thông qua gửi hồ sơ lấy ý kiến và lấy ý kiến cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan thông qua trang thông tin điện tử của cơ quan lập quy hoạch.

2-2-(1).jpg

Cần quy định bổ sung hình thức lấy ý kiến quy hoạch, đối tượng lấy ý kiến quy hoạch theo cấp quy hoạch

Trong khi đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh được thực hiện thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của QHKHSDĐ trên trang thông tin điện tử của Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện”. Như vậy, cùng một nội dung lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 2 luật đã có sự khác nhau về hình thức tổ chức lấy ý kiến.

TS. Đặng Việt Dũng kiến nghị, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cần thống nhất thời gian và thuật ngữ dùng chung khi quy định khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho việc lập tất cả các cấp và loại quy hoạch ở tất cả các loại luật để thuận lợi cho công tác khảo sát, đánh giá, dự báo khi xây dựng quy hoạch. Đề xuất thời gian quy hoạch và tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất quốc gia trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy theo Luật Quy hoạch. Bổ sung vào Dự thảo quy định về thời gian và tầm nhìn quy hoạch sử dụng đất đô thị và nông thôn phù hợp với Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.

Đồng thời, bổ sung các nội dung còn thiếu trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch sử dụng đất đô thị và nông thôn, đảm bảo đồng bộ và thống nhất với các luật liên quan.

Bổ sung các quy định về đất đô thị, đất xây dựng đô thị, quy định về đất dân dụng, đất ngoài dân dụng và các danh mục đất đô thị khác (theo QC 01:2021) phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất trong đô thị, xác định mục đích sử dụng đất, định giá đất thuận lợi.

Ngoài ra, quy định bổ sung hình thức lấy ý kiến quy hoạch, đối tượng lấy ý kiến quy hoạch theo cấp quy hoạch, công tác tiếp thu, giải trình nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ phản biện đồ án quy hoạch, nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch, đảm bảo công khai minh bạch trong triển khai quy hoạch.

Bổ sung quy định cụ thể về quản lý, sử dụng không gian ngầm

PGS. TS Lưu Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho biết, đến tháng 6/2022, toàn quốc có 883 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 93 đô thị loại IV và 686 đô thị loại V. Tình trạng phát triển mở rộng đô thị dàn trải đã làm đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, đặc biệt trước nguy cơ BĐKH và nước biển dâng, diện tích đất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung sẽ càng giảm do xâm nhập mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đô thị và cải thiện môi trường, nhất là ở các đô thị lớn, giải pháp tập trung phát triển đô thị gọn, mật độ cao (đô thị nén) để vừa sử dụng tối ưu diện tích đất trên mặt và khai thác hợp lý không gian ngầm bên dưới đô thị là cần thiết. Không gian ngầm là một dạng tài nguyên quý cần được tích cực khai thác để trở thành không gian thứ hai của đô thị hiện đại. Để đạt được mục đích này, song song với áp dụng và phát triển công nghệ tiên tiến trong xây dựng công trình ngầm, cần bổ sung chủ đề không gian ngầm vào chiến lược, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, xây dựng khung pháp lý và thể chế tương ứng. 

Theo PGS. TS. Lưu Đức Hải, Luật Đất đai hiện tại chưa có quy định cụ thể cho quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị để đảm bảo sự công bằng, chấm dứt tình trạng xâm chiếm không gian và phần ngầm, tạo điều kiện để chủ công trình được quyền xây dựng công trình của mình với độ cao và độ sâu theo quy định mà không cần nhiều thủ tục xin phép…

PGS. TS. Lưu Đức Hải đề xuất, Dự thảo Luật cần bổ sung quyền và nghĩa vụ của người giao đất, người được sử dụng đất ngầm. Đặc biệt, cần quy định việc sử dụng đất trong quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị, kể cả trong Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng…

Đặng Giang