Nâng chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Đất đai - Ngày đăng : 06:15, 27/10/2022

(TN&MT) - Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, chính sách, pháp luật về đất đai nói chung, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (QHKHSDĐ) được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành, trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai. Nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường (BVMT); góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, tạo sự bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất; bước đầu khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tùy tiện, tràn lan. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Lợi ích của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất, cũng như đời sống, sinh kế của người có đất bị thu hồi được quan tâm và bảo đảm tốt hơn. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được bảo đảm và phát huy, nhất là trong sử dụng đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, hệ thống QHKHSDĐ và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

1-4-.jpg

Nghị quyết 18 đặt ra mục tiêu QHKHSDĐ đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; BVMT, thích ứng với BĐKH

Để giải quyết vấn đề này, Nghị quyết 18-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng QHKHSDĐ đáp ứng mục tiêu các quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. QHKHSDĐ được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; BVMT, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH).

Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất. Việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, tránh lãng phí trong phân bổ, quản lý và sử dụng đất. Quy định rõ, chặt chẽ việc phê duyệt, ban hành kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Nhà nước bảo đảm đủ nguồn lực để lập quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã dành một chương quy định về QHKHSDĐ. QHKHSDĐ có 3 cấp: Quốc gia, tỉnh, huyện. Đây là công cụ để Nhà nước phân bổ nguồn lực đất đai bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, giữa các thế hệ; phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai.

Đặc biệt, thông qua quy hoạch đất đai, tiếp tục khẳng định vai trò của nhân dân, khẳng định sự tham gia của người dân, thể hiện tính dân chủ. Những vấn đề liên quan thu hồi đất, quản lý đất đai phải dựa vào quy hoạch sử dụng đất.

1587462664-dat-quy-hoach.jpg

Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Dự thảo Luật quy định: Nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất theo hướng quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch sử dụng đất cùng cấp đã được phê duyệt. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Quy định tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh là 50 năm; tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 30 năm; tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 20 năm (Điều 70). Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và các địa phương có biển được lập bao gồm cả phần đất có mặt nước ven biển.

Nội dung quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất, hệ thống QHKHSDĐ là hệ thống đồng bộ, thống nhất được thiết lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện; thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt QHKHSDĐ; khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai.

Tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng; bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối trong các khu vực quy hoạch; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất. Bổ sung quy định về tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của nhân dân trong quá trình lập QHKHSDĐ.

Hoàn thiện quy định về xử lý chuyển tiếp theo hướng phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi), trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phải kế thừa nội dung phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; trường hợp quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh chưa được phê duyệt thì tiếp tục sử dụng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh để thực hiện công tác quản lý đất đai.

Ông Phạm Đức Toàn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên:

img_20220606_094419(1).jpg

Cần làm rõ thẩm quyền của HĐND cấp huyện

Luật Đất đai qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung đã từng bước nâng cao vai trò trách nhiệm, tính định hướng của địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về QHKHSDĐ hằng năm và giai đoạn, phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, BVMT, thích ứng BĐKH trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.

Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Đất đai lần này vẫn còn có sự chưa thống nhất về thẩm quyền của HĐND cấp huyện trong việc thông qua kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Cụ thể: Khoản 2 Điều 25 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Trong khi đó, Khoản 3 Điều 47 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về thẩm quyền quyết định, phê duyệt QHKHSDĐ quy định: UBND cấp huyện chỉ trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt mà không phải trình HĐND cùng cấp thông qua kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Vì vậy, Điện Biên đề xuất làm rõ hơn thẩm quyền của HĐND cấp huyện để tạo sự thống nhất trong Luật, đồng thời, để đảm bảo phù hợp với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của HĐND cấp huyện được quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 26, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: Việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm phải tuân thủ đúng quy định về trình tự, thủ tục, thời gian; đảm bảo việc trình HĐND cấp huyện thông qua kế hoạch sử dụng đất hằng năm của huyện trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.

ong-tuan-gd-so-tn-mt-ben-tre.jpg

Ông Bùi Minh Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre

Đề xuất sử dụng đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ

Thời gian qua, công tác QHKHSDĐ trên địa bàn Bến Tre đã được các ngành, các cấp trong tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn lực từ đất đai, tạo hành lang pháp lý trong xây dựng và thực hiện kế hoạch sử dụng đất.

Việc lập QHKHSDĐ trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã từng bước đi vào nền nếp, tạo sự chủ động và giải quyết kịp thời các nhu cầu sử dụng đất của địa phương. Thông qua QHKHSDĐ, cơ cấu sử dụng các loại đất đã được chuyển đổi mục đích, phù hợp với quá trình đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Bến Tre còn một số nội dung chưa đồng bộ, gắn kết với quy hoạch xây dựng, quy hoạch các ngành liên quan; chưa dự báo tốt nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích, còn nhiều hạn chế trong tổ chức thực hiện quy hoạch. Mặt khác, đặc thù của Bến Tre là dân cư phân tán, xen kẽ, tập quán sống liền canh, vườn đâu nhà đó, không hình thành các khu, tuyến dân cư tập trung. Do đó, việc bố trí quy hoạch đất ở chỉ dọc các tuyến đường lớn, hoặc các khu trung tâm xã, phường, gây khó khăn cho người dân trong tuân thủ quy hoạch về đất ở. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh, đất nông nghiệp vẫn manh mún, quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chậm, hiệu quả sử dụng đất chưa cao.

Để công tác QHKHSDĐ tại địa phương phát huy hiệu quả, tỉnh Bến Tre đề xuất cho giữ lại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bỏ phương án phân bổ khoanh vùng đất đai để tránh trùng lặp; cho phép bố trí linh động đất ở, nhất là đất ở nông thôn xen lẫn đất trồng cây lâu năm, hằng năm; đồng thời, cho phép sử dụng đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ…

anh-1.-a-khanh.jpg

Ông Trần Hữu Khanh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh

Nâng cao tính đồng bộ, thống nhất trong quy hoạch

Công tác quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Hà Tĩnh đã chủ động dành quỹ đất cho phát triển các ngành, các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu đất đai cho xây dựng cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu dân cư. Theo đó, tạo cơ sở để thực hiện kế hoạch hóa quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đồng bộ với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư.

Trên thực tế, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác còn chồng chéo và chưa thống nhất, gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Cụ thể: Điều 52, Luật Đất đai 2013 quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là: Kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, phải căn cứ thêm quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác, nếu không phù hợp phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định của từng ngành.

Quá trình thực hiện, có những dự án đề nghị quyết định chủ trương đầu tư sau khi kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nhưng không có quy định cụ thể quyết định chủ trương đầu tư có trước hay kế hoạch sử dụng đất có trước. Đây là khó khăn, bất cập trong công tác quản lý và thực hiện quy hoạch.

Mặt khác, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và lấy ý kiến nhân dân trong việc lập, điều chỉnh QHKHSDĐ còn có những hạn chế, chưa nhận thức được tầm quan trọng. QHKHSDĐ chịu sự chi phối của quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất an ninh, quốc phòng nhưng tính đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch chuyên ngành với QHKHSDĐ chưa cao.

Trường An