ADB giúp TP.HCM cải thiện chất lượng không khí.

Môi trường - Ngày đăng : 06:14, 27/10/2022

(TN&MT) - Ngày 25/10, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Mạng lưới không khí sạch Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn kế hoạch không khí sạch ở TP.HCM.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Dự án “TA9608-REG: Tăng cường kiến thức và hành động để cải thiện chất lượng không khí” do Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ cho TP.HCM.

Nhiều giải pháp được đưa ra

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết: Theo nghiên cứu của ADB, ô nhiễm không khí ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt tại các nước và thành phố đang phát triển ở châu Á.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính có khoảng 7 triệu ca tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) báo cáo rằng, 92% người dân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải chịu mức độ ô nhiễm không khí gây rủi ro đáng kể cho sức khỏe. Phần lớn những người này sống ở các thành phố và siêu đô thị.

Để giúp TP.HCM giảm ô nhiễm không khí, từ năm 2019, ADB đã tài trợ, triển khai dự án “Nâng cao năng lực và hành động để cải thiện chất lượng không khí” - Dự án TA9608-REG. Theo đó, ADB với sự hỗ trợ của Công ty tư vấn Ricardo Environment cùng với Tổ chức Không khí sạch châu Á, xây dựng kế hoạch làm sạch không khí cho TP.HCM với nhiều hoạt động.

tp.-hcm-han-che-xe-ca-nhan.jpg

TP.HCM sẽ hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

Dự án sẽ thực hiện nghiên cứu chất lượng không khí thành phố, tập trung vào hiện trạng chất lượng không khí, các tác động và quản lý; xác định các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong đó, có các giải pháp công nghệ đổi mới, khuyến nghị các chính sách và hỗ trợ nâng cao năng lực; xây dựng kế hoạch làm sạch không khí cho thành phố với các ước lượng chi phí đầu tư để kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí.

Tại Hội thảo, ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đã thông tin về những kết quả nghiên cứu của dự án TA9608-REG. Theo đó, những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí tại TP.HCM là hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và hoạt động xây dựng.

Để kiểm soát ô nhiễm không khí, dự án TA9608-REG đã đưa ra nhiều giải pháp khuyến nghị TP.HCM triển khai. Trong đó, về lĩnh vực giao thông, TP.HCM cần thực hiện chuyển đổi xe buýt chạy bằng diesel sang chạy điện hoặc CNG; triển khai các dịch vụ xe đạp điện nơi công cộng, hạn chế hoạt động của mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh…

Trong hoạt động công nghiệp, TP.HCM cần xây dựng quy chuẩn phát thải thành phố theo hướng thắt chặt hơn đối với một số ngành phát thải lớn. Đồng thời, TP.HCM cũng cần xây dựng quy định kiểm soát các thiết bị gây ô nhiễm khí thải; nâng cao năng lực xử lý dữ liệu quan trắc online từ các cơ sở sản xuất, công khai số liệu quan trắc tự động…

Hạn chế ô nhiễm do hoạt động giao thông

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng gần 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 ngàn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác mang vào thành phố để sinh sống. Trong đó, nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ - nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt vào các khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân thành phố.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí do các hoạt động giao thông ngày càng nghiêm trọng, thời gian qua, TP.HCM đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm không khí do các hoạt động giao thông. Theo đó, TP.HCM đang triển khai thí điểm chương trình kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố…

Đồng thời, TP.HCM đang thực hiện các giải pháp để hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, tập trung phát triển các loại hình giao thông công cộng. UBND TP.HCM đã ban hành Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, TP.HCM đặt ra mục tiêu: vận tải hành khách công cộng đảm nhận 15% nhu cầu giao thông đô thị vào năm 2025 và 25% nhu cầu giao thông đô thị vào năm 2030.

Ngoài ra, trong Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, TP.HCM sẽ triển khai Dự án nghiên cứu các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, tăng cường kết nối giữa giao thông cá nhân và giao thông công cộng nhằm tăng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Theo UBND TP.HCM, Dự án này sẽ góp phần giảm kẹt xe, giảm phát thải khí nhà kính. Kết quả tính toán tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính là 44.638 tấn CO2 tđ/năm.

Nguyễn Quỳnh