Làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất góp phần giảm nghèo
Xã hội - Ngày đăng : 06:14, 27/10/2022
Do đó, nếu làm tốt công tác này sẽ góp phần vào việc giảm nghèo cho người dân ở các địa phương, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Liên quan tới vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường.
PV: Thưa ông, ông có thể đánh giá về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua ở các địa phương?
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ: Sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai.
Có thể nói, đây là quy hoạch có hiệu lực pháp lý tốt nhất, bởi lẽ, việc sử dụng đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải tuân thủ theo quy hoạch, những người vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự. Chính vì vậy, công tác này ở tỉnh, thành phố, kể cả các tỉnh miền núi thời gian qua đều được thực hiện tốt theo Luật Đất đai.
Tuy nhiên, những khu vực có diện tích đất rừng, đất núi lớn, người dân khó có cơ hội để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thu hút phát triển các khu đô thị và khu công nghiệp. Đây là những thiệt thòi cho người dân sống gần các khu lâm nghiệp, rừng và ở khu vực miền núi.
PV: Ông đánh giá thế nào về những quy định mới liên quan tới công tác này trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), và đã có những quy định gì để nâng cao hiệu quả các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số?
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ: Trong Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, quy hoạch sử dụng đất ngoài việc quản lý theo hệ thống chỉ tiêu như hiện tại sẽ bổ sung các yếu tố liên quan tới quản lý theo không gian, đặc biệt, quản lý theo hướng tuyến giao thông và điểm kết nối giao thông. Đây là những điểm mới, đảm bảo công tác này thời gian tới sẽ đáp ứng được yêu cầu quản lý, đảm bảo không gian sống của người dân được tốt hơn.
Đối với quy hoạch sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khi thực hiện quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo không gian, sẽ đặc biệt chú ý tới các hành lang phát triển và các cực tăng trưởng để đảm bảo được các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và quản lý việc phát thải theo các khu vực sản xuất kinh doanh và các vùng sản xuất công nghiệp để đáp ứng yêu cầu về hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Dự thảo Luật đất đai, sẽ khắc phục được những nhược điểm trước đây liên quan tới quản lý theo hệ thống chỉ tiêu. Đối với các khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khu vực phát thải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ xây dựng đô thị, nhà ở, khu công nghiệp dọc theo các hướng tuyến giao thông và điểm kết nối giao thông, Nhà nước sẽ phải thu hồi đất vùng phụ cận để điều tiết lại giá trị tăng thêm do Nhà nước chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đầu tư hạ tầng.
Trong Dự thảo đã đề xuất, đối với các địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng nhiều cho mục đích xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, tiền sử dụng đất sẽ được điều tiết về Trung ương, sau đó, Trung ương sẽ phân bổ lại cho các địa phương thực hiện công tác bảo vệ, bảo tồn, phát triển rừng, các khu vực hấp thụ carbon.
Theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đây là yêu cầu bắt buộc trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đáp ứng được các yêu cầu về hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; hài hòa lợi ích giữa các địa phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát thải với các địa phương bảo vệ, bảo tồn và hấp thụ carbon; hài hòa lợi ích giữa thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai.
Do đó, sau khi Dự thảo được Quốc hội thông qua, tôi tin tưởng rằng, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian tới sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt ở các khu vực miền núi và cộng đồng người dân sử dụng đất dưới tán rừng. Đây là những khu vực được Nhà nước đặc biệt quan tâm chú ý và chăm lo.
Nếu chúng ta thực hiện tốt việc phát triển đi đôi với bảo vệ, bảo tồn và điều tiết được phần kinh phí từ những khu chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát thải để chăm lo cho đời sống của người dân vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn và những cơ quan, tổ chức thực hiện quản lý và bảo vệ rừng, công tác quy hoạch sử dụng đất của chúng ta sẽ đáp ứng một cách hoàn thiện, cân đối hơn yêu cầu về phát triển.
PV: Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở các địa phương, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung về chính sách, các địa phương cần làm gì, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ: Trong công tác tổ chức thực hiện, các địa phương cần phải thực hiện theo đúng định hướng chung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia tới năm 2025 hay năm 2030, cũng như kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các tỉnh. Quy hoạch, kế hoạch này đã được xây dựng theo các hành lang phát triển, các cực tăng trưởng và phát triển sử dụng đất dọc theo các hướng tuyến giao thông và điểm kết nối giao thông cho mục tiêu là phát triển đô thị và nhà ở, phát triển công nghiệp và phát triển thương mại, dịch vụ.
Đặc biệt, các tỉnh, nhất là các tỉnh biên giới, miền núi phải đặc biệt chú ý tới việc hình thành các khu định cư an toàn cho người dân. Song song với đó, cần quy hoạch sử dụng đất xung quanh các khu công nghiệp, khu vực sản xuất phục vụ sản xuất kinh doanh và phát triển thương mại dịch vụ để đáp ứng yêu cầu về du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí và các hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội, đảm bảo đời sống người dân khu vực được “tốt hơn so với trước đây” như tinh thần Nghị quyết 18 đã đề ra.
Đây là một chủ trương rất lớn, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt tài chính; hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xác định được các khu vực định cư an toàn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, để đời sống của người dân ngày càng nâng cao, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!