Chuyến thăm của Thái tử Đan mạch tới Việt Nam sẽ chú trọng hợp tác năng lượng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:31, 26/10/2022

(TN&MT) - Từ ngày 31/10 – 3/11, Thái tử Đan Mạch Frederick cùng vợ là Công nương Marry sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam, nhân kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Mục tiêu chính của chuyến thăm này là thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực điện gió và tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả.

Tại buổi họp báo công bố thông tin chính thức về chuyến thăm, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz cho biết, chuyến thăm mang giá tri biểu tượng lớn, thể hiện mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Đan Mạch. Qua 50 năm, Việt Nam từ nước tiếp nhận ODA đã dần lớn mạnh và trở thành đối tác bình đẳng với Đan Mạch trong nhiều lĩnh vực: năng lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nông nghiệp, y tế, giáo dục.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thái tử Frederick và vợ sẽ có cuộc gặp xã giao với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Phái đoàn cũng sẽ tham dự hàng loạt hội nghị, sự kiện nhằm thúc đẩy sự phát triển và đầu tư, hợp tác trong phát triển năng lượng bền vững giữa Việt Nam và Đan Mạch.

anh-1(1).jpg
Thái tử Đan Mạch Frederick cùng vợ là Công nương Marry. Ảnh: Town and Country

Tuy có xuất phát điểm khác nhau nhưng hai nước đang có chung mục tiêu, tầm nhìn, tham vọng tiến tới trung hòa các-bon vào năm 2050. Theo ông Nicolai Prytz, Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư Đan Mạch, đặc biệt trong lĩnh vực điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi. Nhiều thập kỷ qua, Đan Mạch đã có nhiều kinh nghiệm trong hai lĩnh vực này sau khi trải qua cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu những năm 70. Chính phủ Đan Mạch đã triển khai chiến lược đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng cho đất nước, và thành đưa ngành công nghiệp điện gió phát triển mạnh mẽ hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, năng lượng rẻ nhất là năng lượng chúng ta không dùng đến. Đây là lý do chuyến thăm lần này của vợ chồng Thái tử tới Việt Nam sẽ tập trung vào phát triển nguồn năng lượng xanh và tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả.

Ông Troels Jakobsen - Tham tán phụ trách thương mại cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, để đưa nền kinh tế Việt Nam lên tầm cao mới không chỉ phụ thuộc vào hợp tác giữa hai Chính phủ mà còn cần đến hợp tác phát triển, hợp tác nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước. Việt Nam đang rất thu hút các nhà đầu tư quốc tế với nền chính trị ổn định và vị thế quốc tế ngày càng cao. Nhưng thách thức là làm sao thu hút những nhà đầu tư có chất lượng – quan tâm đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Từ phía Đan Mạch, chúng tôi luôn yêu cầu 3 điểm mấu chốt trong việc đầu tư tại bất kỳ quốc gia nào: đảm bảo lợi nhuận tăng trưởng; phải mang tính bền vững; quan tâm đến quyền lợi của người lao động, công nhân.

anh-hop-bao.jpg
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz chia sẻ thông tin tại buổi họp báo về chuyến thăm

Tháp tùng Thái tử lần này có 36 công ty, bao gồm những công ty Đan Mạch lớn nhất trên thế giới, với những cái tên nổi tiếng như Maersk Line, Lego, Pandora và các doanh nghiệp hàng đầu về điện gió, năng lượng... Các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, chương trình thúc đẩy phát triển điện gió tại Hải Phòng; chương trình về tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả tại Hà Nam; chuyến thăm các công ty Đan Mạch tại Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương...

Đáng chú ý, Thái tử Frederick sẽ tham dự lễ khởi công nhà máy Lego tại Bình Dương có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD. Đây là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất của nhà đầu tư Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam đồng thời là nhà máy lớn thứ 6 trên toàn cầu và nhà máy thứ 2 ở châu Á của Lego. Sắp tới, nhà sản xuất trang sức hàng đầu thế giới Pandora cũng sẽ dựng một nhà máy gần nhà máy của Lego. Một loạt các nhà đầu tư lớn của Đan Mạch có ý định vào Việt Nam hoặc để tìm nhà cung cấp người Việt hoặc để tìm dự án đầu tư vào Việt Nam.

Đại sứ Nicolai Prytz khẳng định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển vô cùng nhanh trên thế giới và chắc chắn sẽ cần nhiều năng lượng để đáp ứng. Chúng tôi coi cam kết của chính phủ Việt Nam về tương lai trung hòa carbon vào năm 2050 là một quyết định vô cùng dũng cảm. Về phía Đan Mạch, với những kinh nghiệm và kiến thức của mình, chúng tôi rất sẵn lòng hỗ trợ và đồng hành với Việt Nam để đạt được mục tiêu này.

Khánh Ly