Rà soát các nhiệm vụ về điều tra cơ bản dầu khí

Trong nước - Ngày đăng : 20:16, 25/10/2022

(TN&MT) - Chiều 25/10, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Nhiều Đại biểu Quốc hội tán đồng và cho rằng sửa đổi Luật Dầu khí là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước, để có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và cơ sở pháp lý đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí năng lượng, bảo đảm an ninh quốc phòng, đặc quyền kinh tế, chủ quyền biển, đảo phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế.

Đồng thời, cho ý kiến góp ý vào các nội dung như: chính sách của Nhà nước về dầu khí, ưu đãi trong hoạt động dầu khí và chính sách khai thác tài nguyên trong các mỏ tận thu; điều kiện, nội dung tổ chức thực hiện điều tra cơ bản dầu khí và các quyền, nghĩa vụ tổ chức thực hiên điều tra dầu khí; lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng dầu khí; chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; quản lý nhà nước và trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí…

Rà soát các nhiệm vụ về điều tra cơ bản dầu khí

Góp ý vào Dự thảo Luật, Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) trình tại Kỳ họp lần này, đồng thời, đánh giá cao các quy định về điều tra cơ bản được quy định tại các điều khoản trong Dự thảo Luật sửa đổi. Đại biểu đề nghị, cần quy định chặt chẽ nội dung này để đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột pháp luật.

251020220328-1025-ta-dinh-thi-hn(1).jpg
Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị rà soát các nhiệm vụ cơ bản về điều tra dầu khí

Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 5 về chính sách của Nhà nước về dầu khí một khoản quy định chính sách ưu đãi đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về dầu khí, thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới, có công nghệ nguồn hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Bên cạnh đó, tại Điều 8 có quy định về việc tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải thiết lập vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí. Theo đó, Dự thảo Luật cũng quy định rõ vùng an toàn xung quanh công trình dầu khí trên biển bao gồm những nội dung nào. Tuy nhiên, cần rà soát nội dung này với các Luật có liên quan như Luật Biển Việt Nam để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Về quy định điều tra cơ bản dầu khí tại Chương 2, đại biểu chỉ ra rằng, Dự thảo quy định kinh phí thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước, kinh phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kinh phí của tổ chức, cá nhân. Như vậy công tác này chủ yếu thực hiện bằng nguồn ngân sách Nhà nước, vì vậy cần giao Chính phủ quy định rõ một số nội dung về điều tra cơ bản để đảm bảo công tác tìm kiếm, thăm dò.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát toàn bộ các nội dung tại Điều 10, đảm bảo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan có liên quan thực hiện các nhiệm vụ về điều tra cơ bản dầu khí.

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, tại Khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến lợi ích của quốc gia trong đó quy định: lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí vào hoạt động dầu khí để làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia. Về điều khoản này, đại biểu đề nghị cần phải nhấn mạnh và bổ sung nội dung về “làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng và ô nhiễm môi trường”.

Đại biểu bày tỏ có cùng băn khoăn về nội dung tại khoản 3 Điều 12 dự thảo Luật về điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí. Dự thảo Luật quy định cá nhân tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí phải liên doanh với tổ chức để có đủ điều kiện thực hiện. Đại biểu phân tích, trong trường hợp cá nhân có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định của Chính phủ có thể tự mình thực hiện điều tra mà không cần phải liên doanh với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác. Theo đại biểu, quy định như trên là làm mất đi quyền tự chủ cũng như tính độc lập của cá nhân trong điều tra cơ bản về dầu khí.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tại Điều 12 Dự thảo quy định về điều kiện thực hiện điều điều tra cơ bản về dầu khí chưa rõ ràng, cụ thể những điều kiện nào thì được thực hiện việc điều tra cơ bản về dầu khí. Kết cấu của điều luật chủ yếu quy định về loại hình chủ thể, việc điều tra cơ bản là hoạt động đặc thù.

251020220340-1025-cam-thi-man-thanh-hoa.jpg
Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị có quy định  rõ ràng, cụ thể những điều kiện  thực hiện việc điều tra cơ bản về dầu khí

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại nội dung của Điều 12 của dự thảo luật để khắc phục, bổ sung những bất cập, thiếu sót.

Về việc triển khai các dự án theo chuỗi đồng bộ, đại biểu cho biết: Khoản 1, Điều 42 của dự thảo luật có quy định về việc triển khai các dự án theo chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển. Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung làm rõ khái niệm chuỗi đồng bộ các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển ngoài diện tích hợp đồng ban đầu.

Về việc thực hiện các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực dầu khí, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho biết, chính sách ưu đãi đầu tư đã được quy định tại Điều 54 của dự thảo luật, đây là bước tiến mới trong quá trình xây dựng dự thảo luật. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của việc thực hiện các chính sách ưu đãi này.

Do đó, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật để đảm bảo trong trường hợp các nhà thầu dầu khí đã ký kết hợp đồng dầu khí và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà các chính sách ưu đãi đầu tư tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thấp hơn chính sách ưu đãi đầu tư thì nhà thầu được quyền đề xuất để hưởng chính sách ưu đãi đầu tư tại Điều 54. Việc bổ sung quy định này là phù hợp với chính sách bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, đồng thời phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế về bảo đảm đầu tư.

Nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua

Tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về dự án Luật. Đây là những ý kiến quý báu, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội đối với sự nghiệp phát triển dầu khí nước nhà, giúp ngành có cơ hội phục vụ tốt hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

251020220428-z3828194898937_0623e79629ef3f2b7d58dffa82ebea08.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thẩm tra và các Cơ quan có liên quan, tiếp thu tối đa ý kiến của các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH nhằm giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Nghị quyết của Quốc hội thông qua. “Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra sẽ nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua”, người đứng đầu Bộ Công thương nói.

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cho biết, về điều tra cơ bản về dầu khí (Chương II) là hoạt động rất quan trọng do Nhà nước thống nhất quản lý, làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Trước đây, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) được hình thành và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí và tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không cho phép lập Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí, do đó việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn lực của nhà nước (bao gồm ngân sách nhà nước, nguồn lợi sau thuế theo dõi tại PVN) và nguồn vốn của các tổ chức cá nhân là cần thiết, đồng bộ với quy định của pháp luật về khoáng sản. Bên cạnh đó, điều tra cơ bản về dầu khí được thực hiện theo cơ chế “giao nhiệm vụ” trên cơ sở danh mục đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc ký kết thỏa thuận giữa PVN và tổ chức khác thì chỉ được thực hiện khi không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Về ưu đãi trong hoạt động dầu khí, dự thảo Luật đã quy định bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt (chưa được quy định tại Luật Dầu khí hiện hành), cụ thể được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% (so với mức 32% theo quy định hiện hành); thu hồi chi phí tối đa 80% (so với mức 70% theo quy định hiện hành) trên cơ sở tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam.

251020220218-333333(1).jpg
Quang cảnh phiên họp chiều 25-10

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, dự thảo Luật đã cơ bản thể hiện được những chủ trương của Đảng, Nhà nước, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với pháp luật hiện hành, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ trưởng Bộ Công Thương mong muốn các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật sau khi tiếp thu hoàn thiện lần cuối trình Quốc hội tại Kỳ họp này.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội đã được tổng hợp đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện báo cáo giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 4, sau phiên thảo luận hôm nay, dự thảo Luật sẽ được chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại phiên họp ngày 14/11.

Trường Giang - Khương Trung