Điện Biên tổ chức Hội thảo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050
Kinh tế - Ngày đăng : 18:45, 25/10/2022
Trên nền tảng thế mạnh và điểm yếu của địa phương, tỉnh Điện Biên xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Theo đó, Điện Biên xác định tư tưởng phát triển trên nền tảng “phát huy tiềm năng, phát triển nhanh, vững chắc với bản sắc và giá trị lịch sử”. Trong đó, lộ trình phát triển “Hạ tầng giao thông đi trước, phát triển có trọng điểm, kiến tạo các giá trị đặc sắc” phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.
Quy hoạch tỉnh Điện Biên là tổng hợp của rất nhiều quy hoạch của lĩnh vực ngành, quy hoạch của các huyện, thị, thành phố. Đây có thể coi là một bức tranh tổng thể mang nhiều sắc thái phát triển kinh tế khác nhau, nhưng có tính định hướng, có lộ trình phát triển theo theo định hướng, theo lộ trình thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Theo phương án dự thảo quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 -2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tính đến thời điểm này tỉnh Điện Biên đã nhận được 12/25 ý kiến tham gia của các bộ, ngành; 10/15 ý kiến của các tỉnh lân cận; 12/20 ý kiến của các sở, ngành và 7/10 huyện, thị, thành phố tham gia ý kiến…
Tuy nhiên, hiện nay phương án quy hoạch tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều điểm còn mâu thuẫn chưa đồng bộ, đồng nhất so với quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia. Đặc biệt về đất đai, hạn mức đất đai; hệ thống giao thông; quy hoạch 3 loại rừng và quy hoạch đất lúa trong nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao thông.
Tại đây, ý kiến của các chuyên gia, nguyên lãnh đạo tỉnh, các đại biểu dự đều đánh giá về lợi thế tiềm năng, thế mạnh của Điện Biên là du lịch và nông nghiệp. Tuy nhiên, trong Báo cáo dự thảo quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 các chuyên gia, đại biểu dự chỉ rõ, đơn vị tư vấn cần bổ sung trong việc so sánh lợi thế của Điện Biên so với các vùng lân cận để có định hướng phát triển không lặp lại các tỉnh khác về du lịch và một số sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời chỉ ra được những mặt hạn chế của địa phương một cách thực chất để sớm có phương án và giải pháp. Khi làm rõ được luận chứng về du lịch về xu thế xã hội, thu nhập người dân, đóng góp GDP của ngành du lịch cho địa phương… Điện Biên xác định được định hướng phát triển, trên cơ sở đó đưa những sản phẩm du lịch như: Lễ hội hoa ban thành một đẳng cấp quốc gia, đặc trưng cho khu vực, cho quốc gia. Phát huy lợi thế, rút kinh nghiệm của tỉnh đi sau. Cùng với đó, làm rõ vai trò về vị trí địa lí trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng…
Riêng về đất đai, nhiều chuyên gia đánh giá Điện Biên quỹ đất chưa sử dụng còn nhiều. Tuy nhiên, hạn chế của Điện Biên độ dốc lớn mặt bằng nhỏ hẹp, chủ yếu đồi núi, mật độ chia cắt dày… Cùng với đó, đơn vị tư vấn cần làm rõ hơn quỹ đất phục vụ cho các lĩnh vực phát triển ưu tiên, khớp nối quỹ đất Trung ương phân bổ sử dụng so với nhu cầu sử dụng đất của địa phương…
Quy hoạch công tác quản lý và sử dụng đất đai là một trong những yếu tố tiên quyết trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chính vì vậy, trong quy hoạch tỉnh Điện Biên cần xác định rõ nhiệm vụ quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai từng ngành, từng huyện, từng xã đến từng thôn bản để không thất thoát nguồn lực. Đặc biệt có kế sách phát triển song song với việc bảo vệ cánh đồng Mường Thanh, diện tích cấy lúa nước 2 vụ. Bảo vệ rừng và đất rừng để suy trì nguồn nước, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường.
Ngoài những vấn đề về đất đai, an ninh quốc phòng, môi trường, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp các đại biểu, các chuyên gia còn phân tích thêm các yếu tố xã hội, điều kiện tự nhiên, môi trường kinh doanh, dân số, chất lượng dân số, phong tục tập quán nếp sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, nguồn nhân lực và các chính sách. Đánh giá các yếu tố khó khăn, điều kiện thuận lợi và việc phân bổ lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực ngành… cần mang yếu tố định hướng căn cứ trên cơ sở thực tiễn và phải đảm bảo yếu tố quy hoạch; quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia.
Ông Lê Thành Đô phát biểu tại Hội nghị: Cảm ơn những đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh Điện Biên, các sở ngành và lãnh đạo các huyện, thị, xã thành phố… tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng. Những ý kiến của các chuyên gia, của các nhà khoa học và các đại biểu… đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật bổ sung, đánh giá sâu sắc, so sánh, lập cơ sở dữ liệu dựa trên cơ sở định hướng của địa phương, của Chính phủ, các quy định của Luật Quy hoạch và các quy hoạch thuộc lĩnh vực ngành, quy hoạch liên kết vùng.
Đồng thời nêu rõ giải pháp, những việc cần phải làm ngay, cần phải có lộ trình khắc phục tháo gỡ trong thời gian tới. Xây dựng, bám sát các chỉ tiêu kinh tế, các giải pháp để đạt được các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội. Các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện các nội theo ý kiến của Hội đồng thẩm định, hoàn thành các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên trong thời gian tới.