Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 15:10, 25/10/2022
Tham dự Toạ đàm có ông Đặng Hải Dũng - đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương; ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội KH&CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) là đơn vị phối hợp tổ chức diễn đàn. Về phía đại diện trường Đại học Điện lực có sự tham gia của TS. Dương Trung Kiên – Phó Hiệu trưởng Nhà trường.
Với mục đích chia sẻ, thông tin tới toàn thể cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ - các em sinh viên Đại học Điện lực Hà Nội, Tọa đàm sẽ thông tin một cách chi tiết các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện nói riêng cũng như việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung.
Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của thế giới, trong đó có Việt Nam tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, một vấn đề mang tính quốc sách được đặt ra, đó là phải bảo vệ môi trường, làm giảm sự nóng lên của toàn cầu. Do vậy việc khai thác và sử dụng năng lượng phải gắn với yêu cầu xanh hơn, sạch hơn và việc chuyển dịch năng lượng - nhưng phải là “chuyển dịch năng lượng công bằng” gắn với phát triển bền vững…
Theo ông Đặng Hải Dũng: “Vấn đề an ninh năng lượng đã ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, Châu Âu cũng như Việt Nam bị lạm phát tăng cao, trong chính sách của Việt Nam đã có nhiều văn bản đã ban hành như: Quyết định số 79 - ngày 14/4/2006 - Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2006 - 2015; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/03/2019 - Chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTK&HQ giai đoạn 2019 -2030; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…".
Tại toạ đàm ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch VECEA chia sẻ, Nghị định 102/2003/NĐ-CP về SDNLTK&HQ là văn bản pháp lý quan trọng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống ở cấp quốc gia. Đồng thời, đây là cũng dấu mốc đầu tiên để hình thành ngành công nghiệp về tiết kiệm năng lượng, sau đó chúng ta có Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các chương trình này đã cụ thể hóa tất cả các hoạt động về tiết kiệm năng lượng trên phạm vi cả nước.
Thực tế Luật SDNLTK&HQ đã được ban hành hơn 10 năm, tình hình trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi trong phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi cả về cách nhìn của xã hội. “Mặc dù các văn bản pháp luật tuy nhiều nhưng chưa đồng bộ, do vậy Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, yêu cầu phải sớm xây dựng chính sách đồng bộ với các chế tài cụ thể, nhằm đạt được các mục tiêu về tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Trả lời cho câu hỏi làm gì để đưa việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đi vào thực tiễn cho các bạn sinh viên? Ông Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho rằng, đối với các em sinh viên thì cần sống có trách nhiệm, biết cách thực hiện, học tập và hành động để đáp ứng các mục tiêu, tốt cho xã hội và lan toả các hành động của bản thân tới gia đình, xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng.
"Giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức dưới góc độ ở nhà trường công tác này đã được chú trọng triển khai, nhà trường có 2 cách: đối với các khoa, bộ môn xây dựng hệ thống đo đếm để các thày cô định lượng được hành vi của mình tiêu tốn năng lượng bao nhiêu, các em sinh viên cũng đã được tuyên truyền và hoạt động đó phải được duy trì. Việc SDNLTK&HQ là trách nhiệm của mọi người trong đó có các bạn sinh viên" - ông Dương Trung Kiên nhấn mạnh.
Trao đổi tại Tọa đàm, các khách mời đã có nhiều ý kiến đóng góp về hệ thống pháp lý cũng như cơ sở để triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam. Đặt ra vấn đề cần làm gì để việc sử dụng năng lượng tiết kiệm thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới, điểm lại những hành động thực tiễn được triển khai thời gian qua. Từ đó đóng góp cụ thể từ phía VECEA vào việc xây dựng và thực thi các văn bản pháp lý, chương trình hành động tiết kiệm năng lượng.
Hiện nay, cùng với việc chủ động đảm bảo các nguồn năng lượng như: Đầu tư sản xuất than, điện, xăng dầu… phục vụ cho sản xuất và đời sống, Việt Nam đã coi trọng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ rất sớm. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh: Tiết kiệm năng lượng cần được coi như “nguồn năng lượng đầu tiên”, là nguồn năng lượng “kinh tế nhất”, “rẻ nhất” để tăng cường nguồn cung năng lượng, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của các quốc gia, và Việt Nam chúng ta không là ngoại lệ.