Xã đảo Thạnh An (TP.HCM): Ứng phó biến đổi khí hậu để giảm nghèo
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:07, 25/10/2022
Nâng cao đời sống người dân xã đảo
Từ vị trí địa lý cách biệt, nhiều năm trước, Thạnh An là xã đặc biệt khó khăn của TP.HCM, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, không có điện lưới, nước sạch để sử dụng…
Ông Lê Minh Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cần Giờ cho biết: Thạnh An có 1.131 hộ dân sinh sống với hơn 4.500 nhân khẩu. Những năm qua, được sự quan tâm của huyện và thành phố, đời sống người dân Thạnh An đã từng bước được cải thiện. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ cho Thạnh An, thu nhập bình quân của người dân đạt 63,2 triệu đồng/người/năm, bằng 97,4% mức thu nhập bình quân của huyện Cần Giờ.
Đến nay, Thạnh An đã hoàn thành các chỉ tiêu về phủ kín điện lưới, phát triển đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế… Xã đảo như khoác lên mình một chiếc áo mới. Cuộc sống người dân ngày càng nhộn nhịp hơn, dân cư đông đúc, nhà cửa được xây dựng kiên cố. Mỗi ngày Thạnh An còn đón hàng trăm lượt khách du lịch tới thăm quan, trải nghiệm, đem lại một nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã đảo.
Đặc biệt, từ 1/4/2021, Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận xã đảo Thạnh An thuộc TP.HCM được hưởng các chính sách ưu đãi đối với xã đảo theo quy định. Được công nhận là xã đảo đồng nghĩa với Thạnh An được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong đó, Cần Giờ sẽ phát triển du lịch Thạnh An theo hướng du lịch sinh thái, tập trung khai thác lợi thế biển của xã đảo.
Thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường
Là địa bàn trũng thấp, Thạnh An thường xuyên bị ngập lụt, cùng với đó là mưa bão, áp thấp nhiệt đới và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Những năm qua, TP.HCM, huyện Cần Giờ đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ người dân trong các đợt thiên tai, mưa bão… đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của dân. Năm 2010, UBND huyện Cần Giờ đã đầu tư 24 tỷ đồng xây dựng kè đá chắn sóng tại ấp Thiềng Liềng. Kè đá được xây dựng kiên cố bằng bê tông, dài gần 1,5km, dọc theo sông Lòng Tàu để chắn sóng từ vận hành tàu, ngăn sạt lở đất, bảo vệ đê bao cánh đồng muối Thiềng Liềng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Thạnh An có tiềm năng phát triển về nuôi trồng thủy hải sản, du lịch, nhưng là xã dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm môi trường và BĐKH. Từ cuối năm 2017, Sở TN&MT đã phối hợp với UBND huyện Cần Giờ hỗ trợ Thạnh An triển khai mô hình quản lý môi trường, ứng phó với BĐKH dựa vào cộng đồng nhằm phát huy vai trò của người dân trong gìn giữ môi trường xã đảo.
Bên cạnh đó, từ nhiều năm trước, Hội Liên hiệp phu nữ huyện Cần Giờ đã bắt đầu xây dựng các câu lạc bộ phụ nữ với BĐKH, BVMT nhằm tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên của xã đảo và triển khai các phong trào BVMT, chống rác thải nhựa.
Từ tháng 4/2019, huyện Cần Giờ đã triển khai Chương trình giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn xã Thạnh An. Sau 3 năm triển khai, Thạnh An đã thành lập 10 Tổ vận động hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy với 40 thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân, các hộ kinh doanh sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Đồng thời, xã đã trao tặng 25.000 túi thân thiện môi trường cho khách du lịch; thu hồi 600 kg túi ni lông khó phân hủy quy đổi thành 200kg túi thân thiện, môi trường để phát cho người dân.
Theo ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, mục tiêu phấn đấu hết năm 2022 sẽ kiểm soát 85% chủ nguồn thải không sử dụng túi ni lông khó phân hủy khi đến xã Thạnh An; giảm 70% chủ nguồn thải trên địa bàn xã không sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Chỉ tiêu này sẽ được nâng lên từng năm và phấn đấu đến năm 2025, kiểm soát 100% chủ nguồn thải không sử dụng túi ni lông khó phân hủy khi đến xã Thạnh An; phấn đấu 100% chủ nguồn thải trên địa bàn xã không sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Việc hạn chế túi ni lông, BVMT, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đã hạn chế những tác động xấu từ thời tiết cực đoan do BĐKH; mang về cho xã một màu xanh mới, sức sống mới, xanh - sạch - đẹp và ấm no hơn.