Khánh Hòa sau 12 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010: Đề xuất tháo gỡ khó khăn để phù hợp với tình hình phát triển mới - Khai thác tài nguyên bền vững để phát triển kinh tế - xã hội
Tài nguyên - Ngày đăng : 15:05, 25/10/2022
(TN&MT) - Sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản, hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã từng bước chuyển biến tích cực, các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản đã có ý thức chấp hành pháp luật, đầu tư công nghệ chế biến hiện đại, chế biến sâu nhằm tăng năng suất và hiệu quả nguồn tài nguyên, đóng góp tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động.
Sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, UBND tỉnh chỉ đạo và ban hành: Quyết định số 34/2014/QĐ-UBND ngày 27/12/2014 về Quy định quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Quyết định số 09/2019 QĐ-UBND ngày 9/5/2019 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 34/2014/QĐ-UBND ngày 27/12/2014 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và Quyết định số 354/QĐ-UBND ngày 8/2/2017 về việc ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Tính đến tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 43 Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dụng thông thường (được UBND tỉnh cấp) còn hiệu lực. Ngoài ra, còn một số dự án nạo vét lòng hồ chứa thủy lợi: Cam Ranh (phê duyệt năm 2016 - 2019: khối lượng nạo vét: 270.420m3, được gia hạn năm 2020), Tà Rục (phê duyệt năm 2016 - 2019, khối lượng nạo vét: 282.000m3; gia hạn năm 2020), Suối Dầu (phê duyệt năm 2021, thời hạn 2 năm, khối lượng nạo vét 501.280m3), Hoa Sơn (phê duyệt năm 2021, thời hạn 2 năm; khối lượng nạo vét 73.670m3).
Nhờ đó, ngành công nghiệp khai khoáng đã đóng góp tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có nhiều công trình xây dựng hạ tầng giao thông, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là công trình trọng điểm quốc gia như các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Nha Trang - Cam Lâm, Nha Trang - Buôn Ma Thuột, Nha Trang - Vân Phong, vì vậy, việc phát triển ngành công nghiệp khai khoáng theo hướng bền vững là yêu cầu rất quan trọng. Ngoài hoạt động khai thác khoáng sản đất, đá, cát làm vật liệu xây dựng, trên địa bàn Khánh Hòa còn có hoạt động khai thác nước khoáng phục vụ sinh hoạt (nước đóng chai) và hoạt động ngâm tắm phục vụ du lịch.
Hằng năm, UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì xây dựng và thực hiện chương trình tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khoáng sản: Phổ biến đến các đối tượng cán bộ, công chức quản lý từ UBND cấp huyện, thị xã, thành phố đến UBND cấp xã; Phổ biến và tuyên truyền các quy định mới có liên quan đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Lồng ghép tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường gắn trách nhiệm của chủ giấy phép khai thác khoáng sản, trách nhiệm ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như: Một số đơn vị thực hiện chưa tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và môi trường. Tình trạng phát sinh bụi tại các mỏ đá ảnh hưởng đến đời sống của người dân quanh khu vực mỏ, xe vận chuyển làm hư hỏng đường giao thông chưa được kịp thời sửa chữa làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân tại các địa phương; Điển hình như một số mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn TP. Cam Ranh, huyện Vạn Ninh và huyện Diên Khánh.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo rà soát việc chấp hành lắp đặt trạm cân và camera giám sát sản lượng khai thác tại các mỏ để kiểm tra việc khai thuế của doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp cam kết bốc xếp, vận chuyển khoáng sản đúng tải trọng thiết kế của phương tiện vận tải, xuất hóa đơn để tránh thất thu thuế; đồng thời, yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường.
Kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khai thác mỏ theo thẩm quyền đối với các đơn vị đã được thanh tra, kiểm tra, đã chỉ ra các sai phạm nhưng không khắc phục; Xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương thực hiện không đúng các quy định về quản lý khoáng sản; Thu hồi các mỏ đã được cấp phép nhưng nhiều năm chưa đưa vào khai thác. Thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu hút các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản.
Ông Trương Văn Hiến - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Cam Lâm:
Cần quản lý chặt khoáng sản chưa khai thác
Thời gian qua, công tác triển khai Luật Khoáng sản 2010 và Nghị định hướng dẫn thi hành trên địa bàn huyện còn một số khó khăn. Quy trình, thủ tục cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng còn nhiều bước tương ứng quy trình cấp phép khoáng sản quý hiếm là chưa phù hợp. Còn một số vướng mắc về công tác thỏa thuận đất đai trong khai thác khoáng sản theo Luật Đất đai 2013.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Luật Khoáng sản đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn. Thời gian qua, UBND huyện Cam Lâm đã tổ chức thực hiện nghiêm các quy định Luật Khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Khánh Hòa trong quản lý hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến khoáng sản; từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác, sản xuất, chế biến khoáng sản trên địa bàn huyện, cụ thể:
Chủ tịch UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện, giao nhiệm vụ cho các phòng, ban và Chủ tịch UBND các xã theo chức năng nhiệm vụ được giao của từng ngành, đơn vị và địa phương nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Khoáng sản chưa khai thác được UBND các xã quản lý chặt chẽ theo quy định, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội về quản lý tài nguyên khoáng sản tại địa phương, nhất là bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa được cấp phép khai thác.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cát Cam Ranh Fico:
Gỡ vướng cho Doanh nghiệp về giải phóng mặt bằng và cho thuê đất
Sau khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, nhìn chung các doanh nghiệp chấp hành tốt Luật, khai thác đảm bảo an toàn, giảm tối đa tác động đến môi trường, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Bên cạnh thuận lợi trong thực hiện Luật Khoáng sản 2010, còn một số vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp trong việc giải phóng mặt bằng và cho thuê đất. Cụ thể: Sau khi được cấp phép hoạt động khoáng sản, ở nhiều nơi, việc giải phóng đền bù rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp sau khi được cấp phép vẫn chưa thực hiện khai thác vì lý do chưa thuê được đất.
Trong nội dung sửa đổi Luật Khoáng sản tới đây, doanh nghiệp đề xuất được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản đồng thời với cho thuê đất để gỡ vướng mắc nêu trên. Mặt khác, đề xuất gỡ bỏ công suất khai thác. Địa phương căn cứ vào năng lực khách hàng, năng lực tiêu thụ và kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, từ đó quy định công suất khai thác, căn cứ vào công suất, căn cứ vào trữ lượng sẽ ra tuổi thọ của mỏ. Bên cạnh đó, đề xuất cải cách thủ tục hành chính để cùng với Luật, tạo hành lang thông suốt trong hoạt động khai thác, tránh tình trạng có doanh nghiệp xin chủ trương đến 2 năm vẫn chưa xong do ách tắc thủ tục hành chính.
Ông Trần Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã Diên Tân:
Cần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bảo vệ tài nguyên khoáng sản
Trên địa bàn xã Diên Tân có 6 đơn vị hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó, có 5 đơn vị có giấy phép khai thác, 1 đơn vị đang xin giấy phép của Bộ TN&MT.
UBND xã thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động khai thác, tập kết và kinh doanh khoáng sản; việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, môi trường, an toàn lao động và an ninh… nhằm nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác, tập kết, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản trái phép; chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn xã, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.
Các đơn vị được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cơ bản đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết trước khi tiến hành khai thác mỏ như: ký hợp đồng thuê đất, lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường, ký quỹ môi trường, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Trong quá trình khai thác đã tổ chức khai thác đúng vị trí, diện tích được cấp phép, chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường và các quy định của địa phương; thực hiện việc kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường theo quy định.