Trình Quốc hội Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Trong nước - Ngày đăng : 14:54, 25/10/2022
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, mục đích nhằm sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) năm 2005 để tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực.
Ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.
Về quan điểm, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, Dự thảo Luật đảm bảo sự phù hợp với Hiến pháp và tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật phù hợp với các điều ước quốc tế, các hiệp định và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
Bên cạnh đó, kế thừa các quy định hiện còn giá trị tại Luật GDĐT năm 2005. Hoàn thiện các chính sách bảo đảm các giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân. Chỉ quy định về những thành tố cơ bản có giá trị pháp lý sử dụng để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định lại nội dung đã được pháp luật khác quy định.
Ngoài ra, không làm thay đổi về trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành trong các lĩnh vực. Các bộ, ngành thực hiện quản lý nhà nước về nội dung giao dịch trong các lĩnh vực trên môi trường thực ra sao thì lên môi trường số vẫn sẽ chịu trách nhiệm quản lý đúng theo lĩnh vực đó.
Luật GDĐT năm 2005 có kết cấu 08 chương và 54 điều. Sau khi sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật GDĐT (sửa đổi) có 8 chương và 57 điều, trong đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung bám sát theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03/12/2021.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng, Ủy ban KH,CN&MT tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (GDĐT), đồng thời, nhấn mạnh việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên không gian mạng.
Chủ nhiệm cho rằng, Dự thảo Luật chỉ quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn giao dịch trực tiếp, truyền thống thì vẫn tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành.
Về cơ bản, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) có liên quan. Tuy nhiên, vẫn có một số quy định chưa hoàn toàn bám sát các yêu cầu của cam kết hoặc còn thiếu các quy định so với yêu cầu của cam kết. Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cũng chưa thể hiện toàn diện các nguyên tắc và thể hiện chính xác khái niệm thông điệp dữ liệu (Khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật) như Luật mẫu về thương mại điện tử 1996 (UNCITRAL). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế.
Ủy ban KH, CN&MT đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về chứng thư điện tử; Chữ ký điện tử; về dịch vụ tin cậy; Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; Giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; Những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm.