Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập khi nào?

Trong nước - Ngày đăng : 14:52, 25/10/2022

(TN&MT) - Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). So với dự luật trình Quốc hội tại Kỳ họp 3, dự thảo Luật lần này đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các định hướng sửa đổi Luật Thanh tra đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và nhất trí với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật; đồng thời, cho ý kiến và thể hiện quan điểm về nhiều nội dung cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật.

z3826975462465_39e76dd00cafc07b600e6729e7572473.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).  (ảnh Quốc Khánh)

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn; tổ chức các cuộc họp, hội nghị lấy ý kiến để trao đổi, thống nhất nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, sau đó tiếp tục được hoàn thiện trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến đại biểu Quốc hội có 8 chương với 118 điều (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý 111/118 Điều, trong đó 102 Điều được chỉnh lý về nội dung, 9 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản; về bố cục, tăng thêm 2 điều và sắp xếp, bố cục lại nhiều điều, mục trong các chương); đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm sửa đổi được đề ra trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các định hướng sửa đổi Luật Thanh tra đã được xác định tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Chính phủ đã có văn bản nhất trí với dự thảo Luật đã được chỉnh lý và nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

z3826828268204_2b23089a37ac1ca1053c26e2dd76b1ee.jpg
Quang cảnh phiên họp ngày 25/10. Ảnh: Quốc Khánh)

Về Thanh tra huyện, đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Thanh tra huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện để tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý Nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện sai phạm để xử lý, chấn chỉnh ngay từ cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương.

Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà vì chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc không duy trì Thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn các đơn vị hành chính cấp huyện.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định về Thanh tra huyện như trong dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua, trước hết cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết để Thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; thanh tra Cục thuộc Tổng cục, Chủ nhiệm cho rằng, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật tiêu chí thành lập.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ không thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành, nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì Luật quy định Chính phủ xem xét, quyết định giao một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trên thực tế, tại các cơ quan này đã tổ chức đơn vị tham mưu về công tác thanh tra và bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong một số luật đã quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ. Do đó, việc dự thảo Luật quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số Tổng cục, Cục thuộc Bộ; tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này. Việc thành lập này về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới do hiện tại ở các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội quy định rõ trong Luật các tiêu chí, nguyên tắc thành lập theo hướng Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ được thành lập trong 3 trường hợp: Theo quy định của luật; Tại các Tổng cục, Cục thuộc Bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ quy định; Theo yêu cầu của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Sau khi Luật được Quốc hội ban hành, Chính phủ sẽ rà soát kỹ các cơ quan hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo hướng chỉ cơ quan nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, nguyên tắc và thực sự cần thiết, có đủ năng lực thì mới được thành lập cơ quan thanh tra, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tinh gọn bộ máy.

Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tán thành việc thành lập thanh tra cấp huyện; thanh tra tổng cục, cục; thành lập thanh tra sở tùy theo tính chất đặc thù của mỗi tỉnh.

251020220937-1025-pham-van-hoa-dong-thap.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tán thành việc thành lập thanh tra cấp huyện; thanh tra Tổng cục, Cục

Đại biểu cho rằng, theo luật hiện hành chưa cho phép lập thanh tra Tổng cục, Cục cuộc Bộ, nhưng luật cho phép Chính phủ xem xét, quyết định, giao cho Tổng cục, Cục thuộc Bộ, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Do đó, việc thành lập thanh tra chuyên ngành là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho công tác thanh tra, không phát sinh biên chế, tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, không nhất thiết Cục, tổng cục nào cũng cần có thanh tra, mà cần có nguyên tắc cụ thể trong việc thành lập này, giao Chính phủ quy định.

Về phân định quyền hạn cụ thể giữa thanh tra Bộ và thanh tra Tổng cục, cục thuộc Bộ, đại biểu cho rằng, để rạch ròi nhiệm vụ, quyền hạn tránh chồng lấn, đại biểu cho rằng, nên quy định việc nào thanh tra Tổng cục, Cục cuộc Bộ, thanh tra chuyên ngành đã thanh tra thì thanh tra Bộ không thanh tra, để hạn chế gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp có phát sinh mới hoặc nghi vấn tiêu cực của thanh tra trước đó.

Chiều 25/10, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Sau đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi); Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trường Giang - Khương Trung