Quảng Ninh gắn bảo vệ nguồn nước gắn với giảm nghèo bền vững

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 14:46, 25/10/2022

(TN&MT) - Trong thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi. Đồng thời phát huy lợi thế nguồn nước dồi dào giúp người dân, nhất là đồng bào DTTS phát triển trồng rừng, cây dược liệu chăn nuôi gia súc, gia cầm vươn lên thoát nghèo.

Quảng Ninh hiện có khoảng 30 sông, suối với chiều dài trên 10km, diện tích lưu vực thông thường không quá 300km2, trong đó có 4 con sông lớn là sông Đá Bạc (đoạn hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình), sông Ka Long, sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ. Ngoài 4 sông lớn trên, Quảng Ninh còn có 11 sông nhỏ, chiều dài các sông từ 15 - 35km, diện tích lưu vực thường nhỏ hơn 300 km2, được phân bố dọc theo bờ biển.

anh-nc-05.jpg
Quảng Ninh đang hoàn thiện Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội

Mặc dù Quảng Ninh có tổng lượng nước tiềm năng tương đối giàu, nước mặt khoảng 8.146 triệu m3/năm, nước dưới đất khoảng 617 triệu m3/năm, nhưng lại mất cân đối theo mùa và khu vực, gây khó khăn cho việc đáp ứng nước cho các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, mức độ ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến khả năng cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường, nhiều nơi có nước nhưng không sử dụng được. Nguồn nước bị ô nhiễm sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh nguồn nước của Quảng Ninh.

Trao đổi với PV, Trưởng phòng Tài nguyên nước- Khoáng sản và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT Quảng Ninh Trần Thu Hà cho biết, để chủ động nguồn nước đáp ứng đủ nhu cầu nước của tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở cân đối nguồn nước tại chỗ, kết nối, liên kết nguồn nước giữa các huyện, vùng, miền, lưu vực sông trong mọi tình huống và chủ động ứng phó có hiệu quả với các loại hình thiên tai liên quan đến nước.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe, đời sống, sản xuất của người dân, tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương xây dựng "Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

anh-nc-03.jpg
Có nguồn nước cùng hệ thống mương thủy lợi giúp bà con DTTS tại xã vùng cao Đồng Văn, huyện Bình Liêu có những mùa vàng bội thu

Đây là tiền đề quan trọng để đảm bảo an ninh nguồn nước, cũng như đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi là tiền đề để phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm để người dân vươn lên thoát nghèo.

Chia sẻ với PV, ông Phạm Văn Sáu, Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân, TP.Hạ Long cho biết, phát huy lợi thế nguồn nước từ các khe, suối đầu nguồn chảy qua địa bàn, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ nguồn nước gắn với phát triển mô hình trồng cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo ra việc làm và thu nhập ổn định, giúp bà con vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, hiện nay số hộ khá giả ngày một tăng, xã không còn hộ nghèo.

Với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, trong 5 năm (2016-2021), tỉnh đã ban hành 19 chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội, trong đó tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước cho sản xuất và sinh hoạt. Từ đó, đã khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 0,14%.

anh-nc-02.jpg
Đồng bào DTTS ở huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ninh phát huy lợi thế nguồn nước để trồng lúa, chăn nuôi gia súc vươn lên thoát nghèo bền vững

Theo báo cáo của Sở TN&MT Quảng Ninh, tổng nhu cầu nước hàng năm của tỉnh hiện tại vào khoảng 431,28 triệu m3/năm, trong đó lượng nước sử dụng cho nông nghiệp 236,93 triệu m3/năm (chiếm 54,94%), nước cho công nghiệp và dịch vụ 77,91 triệu m3/năm (chiếm 18,06%), nước cho sinh hoạt tại đô thị, nông thôn và du lịch 100,91 triệu m3/năm (chiếm 23,40%) và nước cho môi trường 15,53 triệu m3/năm (chiếm 3,60%).

Bên cạnh đó, do cơ cấu kinh tế thay đổi, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh đòi hỏi yêu cầu cấp nước ngày càng tăng cao, đặc biệt là nhu cầu cấp nước cho các khu công nghiệp, khu đô thị, các khu dân cư ở nông thôn đang đòi hỏi ngày một tăng. Theo dự báo của cơ quan chức năng, nhu cầu dùng nước năm 2025 của tỉnh Quảng Ninh là 597,15 triệu m3/năm (thiếu 1,08 triệu m3/năm), đến năm 2030 sẽ cần khoảng 646,02 triệu m3/năm (thiếu 2,60 triệu m3/năm).

Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 176 hồ đang hoạt động và chuẩn bị đưa vào hoạt động, với tổng dung tích hữu ích khoảng 323,12 triệu m3/năm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay, lũ lụt xảy ra thường xuyên với cường độ cao, tình trạng không ổn định của địa chất, hiện tượng đứt gãy dẫn tới một số hồ, đập thủy lợi bị xuống cấp, thì vấn đề an toàn đập, hồ chứa nước trở nên vô cùng cấp bách, cần được quan tâm đầu tư xây mới, sửa chữa đảm bảo an toàn.

anh-nc-01.jpg
Người dân xã vùng cao Quảng Lâm, huyện Đầm Hà sử dụng nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt đảm bảo sức khỏe và môi trường sống

Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh Ngọc Thái Hoàng cho biết, những năm qua, tốc độ phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh diễn ra khá nhanh đã tạo sức ép lớn lên nguồn nước, làm suy giảm nguồn nước, lấn chiếm không gian nguồn nước, cản trở các tuyến thoát nước, gây ngập lụt các khu dân cư, đô thị, công nghiệp. Với tình trạng hạn hán, cạn kiệt nguồn nước cùng với tác động của phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng dân số đô thị, sẽ là thách thức lớn trong việc đảm bảo an toàn cấp nước trên địa bàn.

Để bảo vệ, cũng như phát huy lợi thế nguồn nước là một trong tiền đề để phát triển kinh tế- xã hội, nhất là các vùng nông thôn, miền núi là một trong yếu tố quan trọng để người dân, đồng bào DTTS phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương hoàn thiện Đề án, trong đó xác định bảo đảm an ninh nguồn nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ trung tâm, cấp bách, lâu dài, liên tục, thống nhất và xuyên suốt từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân.

Phạm Hoạch