Huế: Tổ chức cuộc thi “Sáng kiến truyền thông về rác thải nhựa”
Môi trường - Ngày đăng : 14:43, 25/10/2022
Ngày 25/10, Khoa Môi trường (Đại học Khoa học Huế) cho biết, vừa phối hợp với tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam phát động cuộc thi tìm kiếm “Sáng kiến truyền thông về rác thải nhựa”.
Cuộc thi kêu gọi ý tưởng, sáng kiến truyền thông tập trung vào vấn đề giảm thiểu và quản lý rác thải nhựa từ các cá nhân, nhóm sinh viên đến từ các trường thành viên, khoa trực thuộc Đại học Huế và học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên -Huế.
Theo đó, các cá nhân/nhóm tham dự sẽ đăng ký theo mẫu mô tả ý tưởng, sau đó phát triển ý tưởng thành 1 sản phẩm truyền thông bằng video, tập trung vào chủ đề giảm thiểu rác thải nhựa, được xây dựng từ các hình ảnh, hiện trạng thực tế, phóng sự, nhạc tự sáng tác, kịch tự diễn... Các ý tưởng truyền thông phải mang những thông điệp mới mẻ, sáng tạo, thân thiện và thiết thực trong phong trào chống rác thải nhựa. Độ dài của video không quá 5 phút. Tác phẩm dự thi cần đảm bảo chưa tham gia và đạt giải ở bất kỳ cuộc thi nào được tổ chức trước đây, là tác phẩm tự sáng tác, không được sao chép hay mô phỏng ý tưởng của tác giả khác.
Ban tổ chức sẽ chấm điểm thông qua các tiêu chí như nội dung, hình thức, tính sáng tạo, tính hiệu quả, khả năng áp dụng và tính truyền thông. Thời gian tham gia từ ngày 25/10/ đến ngày 17/11. Bài dự thi gửi về email: fes.hus@hueuni.edu.vn, sau đó ban tổ chức sẽ đăng tải các bài dự thi lên facebook của Khoa Môi trường, hết thời hạn dự thi ban tổ chức sẽ chấm điểm...
Ban tổ chức sẽ trao 11 giải thưởng, với 1 giải Nhất 3 triệu đồng, 2 giải Nhì mỗi giải 2 triệu đồng, 3 giải Ba mỗi giải 1 triệu đồng, 4 giải Khuyến khích mỗi giải 700.000 đồng, 1 giải có nhiều lượt like và share nhiều nhất trên facebook trị giá 500.000 đồng, cùng các giấy chứng nhận. Lễ trao giải dự kiến vào ngày 26/11.
“Sáng kiến truyền thông về rác thải nhựa” là cuộc thi ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm của người trẻ với những vấn đề nóng của toàn cầu, kêu gọi các ý tưởng, hành động và nâng cao nhận thức của sinh viên và học sinh, đồng thời lan tỏa thông điệp “giảm thiểu rác thải nhựa” nhằm thay đổi thói quen và hành vi sử dụng nhựa, đặc biệt là nhựa sử dụng 1 lần trong giới trẻ hiện nay.