Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC vào năm 2045

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:46, 24/10/2022

(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào năm 2023. Theo đó, Việt Nam áp dụng lộ trình loại trừ dần các chất HFC từ năm 2024 theo cam kết quốc tế, tiến tới giảm 80% mức tiêu thụ cơ sở vào năm 2045.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ô-dôn, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon và xây dựng kế hoạch quản lý loại trừ các chất HFC của Việt Nam giai đoạn I”, do Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tham dự có đại diện Bộ Môi trường Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển Châu Á và các Bộ, ngành; các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hóa chất, thiết bị, sản xuất thiết bị, thu gom, xử lý chất thải nguy hại, các ban quản lý các tòa nhà cao tầng.

Lộ trình loại trừ dần HCFC và HFC

Thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (thuộc Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-dôn), Việt Nam đang trong lộ trình loại trừ dần các chất hydrochlorofluorocarbon (HCFC). Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở, lượng hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn, và 1.300 tấn trong giai đoạn 2025-2030. Dự kiến sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó cho đến khi chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040.

Từ năm 2024, Việt Nam bắt đầu lộ trình loại trừ các chất chlorofluorocarbon (HFC) và sẽ phải thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu không gia tăng lượng tiêu thụ các chất HFC giai đoạn 2024-2029, giảm dần lượng tiêu thụ tiến tới giảm 80% mức tiêu thụ cơ sở vào năm 2045.

z3824681048069_0e216c08424bd031e509a4ffda525238.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại hội thảo

Để thực hiện các mục tiêu này, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về bảo vệ tầng ô-dôn đã tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về bảo vệ tầng ô-dôn, gồm: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 92), Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/07/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Điều 45, Điều 46); Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các văn bản quy phạm pháp luật đã tạo ra khung pháp lý quan trọng để quản lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam. Trong đó bao gồm các quy định điều chỉnh các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong xuất, nhập khẩu và sản xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính…

dsc03764.jpg
Đại diện Ngân hàng Thế giới, 

Các quy định trên đều có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty xuất, nhập khẩu hóa chất, thiết bị, sản xuất thiết bị, thu gom, xử lý chất thải nguy hại; ban quản lý các tòa nhà cao tầng và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hoà không khí – ông Nguyễn Tuấn Quang nhấn mạnh.

Siết chặt quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý

Tháng 10/2020, Việt Nam đã tham gia Sáng kiến của Nhật Bản về quản lý Fluorocarbon. Một trong những trọng tâm là tăng cường quan hệ đối tác với khu vực tư nhân và thúc đẩy đổi mới liên quan đến quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon, bao gồm xây dựng hệ thống thu gom (phục hồi) và xử lý (tái chế và phá hủy).

Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực quản lý vòng đời các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal: chia sẻ kinh nghiệm quản lý theo vòng đời các chất được kiểm soát; phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về quản lý các chất; đào tạo năng lực cho cán bộ kỹ thuật; phổ biến và hướng dẫn thực thi quy định pháp luật… Theo ông Makoto Kato, Trung tâm Hợp tác môi trường quốc tế Nhật Bản, thời gian tới, Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giảm sát HFC, nhằm minh bạch hóa công tác quản lý và giao dịch trên hệ thống điện tử.

Tháng 9/2022, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ kỹ thuật đẩy mạnh quản lý vòng đời các chất Fluorocacbon. ADB sẽ hỗ trợ về nâng cao kiến thức, nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ; thực hiện các nghiên cứu về khả năng ứng dụng công nghệ, giải pháp sáng tạo và mô hình kinh doanh phù hợp với Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ triển khai các hành động nhằm tăng cường quản lý vòng đời của các chất Fluorocacbon cho các cơ quan chính phủ có liên quan.

z3824681054429_dbdcb00dff6558e0e124e369ee9d6e68(2).jpg
Quang cảnh hội thảo

Theo bà Nguyễn Đặng Thu Cúc (Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn, Cục BĐKH), hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng và xử lý các chất được kiểm soát, trình ban hành trước ngày 31/10/2023.

Quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 về hoạt động thu gom các chất được kiểm soát khi không còn sử dụng trong thiết bị, sản phẩm sẽ bắt buộc áp dụng từ ngày 1/1/2024. Đối tượng phải thực hiện là các tổ chức sản xuất, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm có chứa hoặc sản xuất từ chất được kiểm soát; sở hữu các thiết bị: máy điều hòa không khí có năng suất lạnh danh định lớn hơn 26,5 kW (90.000 BTU/h) và có tổng năng suất lạnh danh định của các thiết bị lớn hơn 586 kW (2.000.000 BTU/h); hoặc thiết bị lạnh công nghiệp có công suất điện lớn hơn 40 kW.

Yêu cầu đối với kỹ thuật viên thực hiện lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị là phải có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành, nghề: công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà, công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí, lắp đặt thiết bị lạnh, bảo trì và sửa chữa thiết bị nhiệt, kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, vận hành, sửa chữa thiết bị lạnh, cơ điện lạnh thủy sản. Trường hợp không có bằng, kỹ thuật viên phải tham gia và hoàn thành khóa đào tạo về thu gom và xử lý các chất được kiểm soát.

Quá trình xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trình Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2023, Bộ TN&MT đặc biệt chú trọng vấn đề xây dựng năng lực cho đội ngũ giảng viên, kỹ thuật viên trong lĩnh vực dịch vụ bảo dưỡng và áp dụng các thực hành tốt để giảm rò rỉ môi chất lạnh thất thoát ra môi trường; khuyến khích và có biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, áp dụng các giải pháp thay thế không sử dụng HCFC càng sớm càng tốt; xây dựng các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn liên quan về đảm bảo an toàn trong sản xuất, sử dụng những môi chất lạnh thân thiện với khí hậu…

z3824681061725_7ab5f47d2537cf1603360e350a30fbf0(1).jpg
Đông đảo đại diện các Bộ, ngành, chuyên gia doanh nghiệp liên quan đến quản lý, sản xuất, sử dụng các chất được kiểm soát tham dự hội thảo

Để chuẩn bị xây dựng kế hoạch về quản lý loại trừ các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal phù hợp với bối cảnh trong nước, Cục Biến đổi khí hậu dự kiến thực hiện điều tra, khảo sát thu thập thông tin, số liệu về các lĩnh vực sử dụng các chất được kiểm soát và xác định các biện pháp quản lý, lộ trình áp dụng đối với từng chất được kiểm soát, cũng như sản phẩm/thiết bị có chứa các chất đó.

Khánh Ly